Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 21/10 đã lên tiếng kêu gọi các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ không chỉ ở Afghanistan mà còn khắp nơi trên thế giới.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Guterres nêu rõ: "Chúng ta cần đấu tranh và hướng về phía trước vì quyền lợi của mỗi phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới."
Ông nhấn mạnh điều này nhằm đảm bảo phụ nữ không còn phải chứng kiến những quyền lợi của mình bị thu hẹp hay mất đi, dù là ở những nước đang xảy ra xung đột hay ở mọi nơi trên thế giới.
Tổng Thư ký Guterres cũng bày tỏ quan ngại trước việc thực trạng quyền lợi của người phụ nữ bị vi phạm hay bị loại bỏ ở một số nước như Ethiopia, Yemen và nhiều khu vực khác trên toàn cầu.
Đơn cử như tại Mali, sau hai cuộc đảo chính xảy ra trong vòng 9 tháng, quyền phụ nữ hầu như không còn được đảm bảo.
Còn tại Afghanistan, những quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái mà họ đã đạt được trong những thập niên gần đây lại đang nhanh chóng bị đảo ngược, trong đó có quyền được đi học.
Kể từ khi lên nắm quyền tại Afghanistan, lực lượng Taliban chỉ yêu cầu các nam sinh quay trở lại trường học, trong khi các nữ sinh lớn hơn ở cấp trung học cơ sở lại không được tới trường.
[Pakistan chia sẻ với Taliban cách để được cộng đồng quốc tế công nhận]
Người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này sẽ tiếp tục thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong tất cả các cuộc tiếp xúc với chính quyền mới ở Afghanistan.
Liên hợp quốc sẽ không ngừng đấu tranh cho đến khi trẻ em gái được đến trường, phụ nữ được quay trở lại làm việc và hòa nhập với xã hội.
Về phần mình, bà Fawzia Koofi, cựu nghị sỹ Quốc hội Afghanistan, đã bày tỏ lấy làm tiếc khi chính phủ lâm thời của Taliban không có đại diện nữ giới. Bà cho rằng đây không chỉ là vấn đề chính trị, xã hội mà còn là vấn đề an ninh quốc gia.
Bà nhấn mạnh một chính phủ Afghanistan đảm bảo tính đa dạng và sự tham gia của tất cả mọi người, kể cả phụ nữ, có thể trở thành "một đối tác đáng tin cậy với thế giới...song thực tế không như vậy."
Hồi tháng 9, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet cũng cho rằng thành phần chính phủ lâm thời tại Afghanistan thiếu tính đại diện, không bao gồm phụ nữ hay các đại diện từ các cộng đồng thiểu số.
Bà Bachelet cũng nhấn mạnh Taliban cam kết sẽ áp dụng các quy định quản lý nhà nước "mềm dẻo hơn" so với giai đoạn cầm quyền trước đây.
Tuy nhiên, các thông tin mà văn phòng của bà nhận được phản ánh những cam kết đó chưa được thực hiện đầy đủ, khi nhiều phụ nữ và bé gái tiếp tục gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội./.