Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lo ngại những nguy cơ từ mìn sát thương vẫn đang tồn tại, khi một số quốc gia vốn đã tham gia Công ước cấm mìn sát thương (Công ước Ottawa) nhưng vẫn tiếp tục sử dụng loại mìn này.
Trong thông điệp gửi tới Hội nghị Siem Reap-Angkor về một thế giới không có mìn và được Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Armida Salsiah Alisjahbana đọc tại lễ khai mạc, ông Guterres cho rằng Công ước cấm mìn sát thương đại diện cho cam kết chấm dứt những tàn phá từ loại mìn này.
Trong 25 năm qua, công ước đã thúc đẩy những tiến bộ quan trọng khi có hơn 55 triệu thiết bị đã bị phá hủy tại hơn 60 quốc gia.
Ngoài ra, hàng nghìn người đã được giáo dục nâng cao nhận thức về cứu sinh và công tác hỗ trợ nạn nhân.
Tuy nhiên, người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cho rằng các nguy cơ từ mìn sát thương vẫn tồn tại khi một số quốc gia đã tham gia Công ước Ottawa nhưng vẫn tiếp tục sử dụng mìn trong khi một số quốc gia khác chậm trễ đưa ra cam kết phá hủy loại vũ khí này.
Ông kêu gọi các nước thành viên thực hiện nghĩa vụ của mình, tuân thủ công ước và giải quyết các tác động về mặt nhân đạo cũng như phát triển thông qua hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.
Hội nghị Siem Reap-Angkor về một thế giới không có mìn diễn ra tại tỉnh Siem Reap, Tây Bắc Campuchia./.
Mỹ cung cấp mìn sát thương cho Ukraine - Slovakia cảnh báo hậu quả xung đột
Giới chức Mỹ xác nhận Washington đã cho phép cung cấp mìn sát thương cho Ukraine. Trong khi đó, Slovakia e ngại hậu quả khôn lường nếu tên lửa NATO bắn trúng một thành phố của Nga.