Tổng Thư ký Liên hợp quốc cảnh báo về các thách thức toàn cầu

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh cuộc xung đột Ukraine, cùng với các cuộc khủng hoảng khác, đang đe dọa gây ra "một làn sóng đói kém chưa từng có, kéo theo sự hỗn loạn về kinh tế và xã hội."
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cảnh báo về các thách thức toàn cầu ảnh 1Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo ở Vienna, Áo ngày 11/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo cuộc xung đột tại Ukraine có thể gây ra sự hỗn loạn trong xã hội và kinh tế trên toàn thế giới, theo đó làm trầm trọng thêm hậu quả của những cuộc khủng hoảng khác mà toàn cầu đang phải đối mặt gồm biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và sự bất bình đẳng.

Người đứng đầu Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo trên trong buổi họp báo công bố báo cáo thứ hai của Nhóm Ứng phó với khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính toàn cầu trong cuộc xung đột Ukraine.

Ông nhấn mạnh cuộc xung đột, cùng với các cuộc khủng hoảng khác, đang đe dọa gây ra "một làn sóng đói kém chưa từng có, kéo theo sự hỗn loạn về kinh tế và xã hội."

Ông nhấn mạnh không một quốc gia nào có thể thoát khỏi vòng xoáy của cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt hiện nay. 

Trong báo cáo này, Nhóm Ứng phó với khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính toàn cầu trong cuộc xung đột Ukraine đã làm rõ thực tế rằng tác động mang tính hệ thống của xung đột đối với an ninh lương thực, năng lượng và tài chính đang diễn ra với tốc độ nhanh và mức độ nghiêm trọng.

Cụ thể, giá thực phẩm đang ở mức cao kỷ lục, trong khi giá phân bón tăng gấp đôi đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất lương thực.

Báo cao cũn nhấn mạnh nếu không có phân bón, tình trạng giảm năng suất cây lương thực sẽ xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng tỷ người ở châu Á và Nam Mỹ. 

Trong khi đó, giá năng lượng không ngừng tăng cao đã gây ra tình trạng mất điện và thiếu hụt nhiên liệu ở tất cả các nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng đặc biệt lưu ý đến sự chênh lệch giữa các nước trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19 và cuộc khủng hoảng do khí hậu...

Đề cập đến khó khăn của người lao động, ông Guterres cho biết trên toàn thế giới, trung bình cứ 5 công nhân thì có 3 người thu nhập bị giảm so với trước đại dịch COVID-19.

Cân bằng ngân sách thu chi không chỉ là vấn đề quốc gia mà còn là vấn đề gây đau đầu của từng hộ gia đình. Các gia đình đang bị buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn như đóng cửa các cơ sở kinh doanh, bán gia súc hay cho con cái nghỉ học.

[Liên hợp quốc cảnh báo khủng khoảng lương thực toàn cầu nghiêm trọng]

Do đó, Tổng Thư ký Guterres kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, nhiệm vụ cấp bách không thể chậm trễ lúc này là ổn định thị trường lương thực và năng lượng toàn cầu, cung cấp các nguồn lực ngay lập tức để hỗ trợ các quốc gia và cộng đồng dân cư nghèo nhất.

Nhà lãnh đạo tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này cũng nhấn mạnh các chính phủ phải được hỗ trợ tài chính (có thể dưới hình thức tín dụng) để duy trì nền kinh tế phát triển và đảm bảo cuộc sống của người dân.

Theo ông, sẽ không thể có giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng toàn cầu này nếu không có giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế ở các nước đang phát triển.

Hệ thống tài chính toàn cầu phải vượt lên trên những hạn chế  của và sử dụng tất cả các công cụ theo ý mình, với sự linh hoạt và đúng cách nhất, để hỗ trợ cho các quốc gia và người dân dễ bị tổn thương./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục