Ngày 4/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên án vụ xả súng xảy ra một ngày trước đó ở bên ngoài Trung tâm Curtis Culwell, nơi diễn ra triển lãm tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed, tại bang Texas, Mỹ.
Theo thông cáo phát đi từ trụ sở Liên hợp quốc tại thành phố New York, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã gửi lời hỏi thăm đến các nạn nhân trong vụ xả súng trên. Ông khẳng định hành động bạo lực này không liên quan đến tín ngưỡng hay tôn giáo và không gì có thể biện minh cho vụ xả súng trên. Theo ông, đối thoại và tranh luận dân chủ là giải pháp duy nhất để bảo vệ những lý tưởng.
Thông cáo còn chỉ rõ tự do ngôn luận và sự khoan dung là những yếu tố quan trọng cho xã hội hòa bình và hai yếu tố này cần được bảo vệ mạnh mẽ. Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa và cho rằng giải pháp cốt lõi nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan chính là sự tôn trọng đối với các nền văn hóa.
Trong diễn biến liên quan, kênh truyền hình CNN của Mỹ cùng ngày đưa tin một trong hai tay súng tiến hành cuộc tấn công tại Garland, Texas, tự nhận mình có quan hệ với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã xác định đối tượng trên là Elton Simpson. Trong một tuyên bố trên tài khoản Twitter trước khi thực hiện vụ tấn công, tên này đã đăng thông điệp “Có thể Thánh Allah chấp nhận chúng tôi là chiến binh thánh chiến”. Simpson và đồng phạm Nadir Soofi, cũng thề chung thành với "Amirul Mu'mineen" (Lãnh tụ của Đức tin). Chuyên gia phân tích khủng bố của CNN Paul Cruickshank cho rằng “Lãnh tụ của Đức tin” mà hai tên này nhắc tới chính là thủ lĩnh IS Abu Bakr al Baghdadi. Sau khi vụ nổ súng xảy ra, một chuyên gia tuyên truyền của IS là tay súng người Anh Junaid Hussain đã ca ngợi “hai người anh em nổ súng tại Texas”.
Trước đó, hai đối tượng Simpson và Soofi đã nổ súng vào các nhân viên an ninh bên ngoài Trung tâm Curtis Culwell khiến một nhân viên an ninh bị trọng thương. Hai tên này sau đó đã bị cảnh sát bắn chết trên đường bỏ chạy./.