Tổng Thư ký LHQ: "Đã đến lúc thực hiện cam kết bảo vệ dân thường"

Ước tính trong năm 2022 có gần 17.000 dân thường thiệt mạng tại 12 khu vực giao tranh trên thế giới, tăng 53% so với năm trước đó, trong khi 100 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột và bạo lực.
Tổng Thư ký LHQ: "Đã đến lúc thực hiện cam kết bảo vệ dân thường" ảnh 1Người tị nạn Sudan dựng trại tạm tại Koufroun (Cộng hòa Chad), ngày 30/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo và số dân thường chịu ảnh hưởng từ các cuộc xung đột đang gia tăng trên khắp thế giới.

Liên hợp quốc ước tính trong năm 2022, đã có gần 17.000 dân thường thiệt mạng tại 12 khu vực giao tranh trên thế giới, tăng 53% so với năm trước đó, trong khi 100 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột và bạo lực.

Báo cáo của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng dân thường chiếm 94% số nạn nhân của các vật liệu và vũ khí gây nổ tại các khu vực đông đúc dân cư, trong khi 117 triệu người đối mặt với nạn đói, chủ yếu do chiến tranh và mất an toàn tại khu vực sinh sống.

Tổng Thư ký Guterres cảnh báo thế giới đang “thất bại” trong thực hiện các cam kết bảo vệ dân thường, cũng như các quy định trong luật nhân đạo quốc tế.

[Giao tranh tại Sudan: Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ xung đột sắc tộc]

Bà Mirjana Spoljaric, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC), bày tỏ lo ngại xung đột có thể phá hủy nhà ở, trường học và làm cạn kiệt nguồn thực phẩm, thuốc men của người dân bất cứ lúc nào.

Về phần mình, Chủ tịch luân phiên ICRC, Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset cho rằng xung đột là nguyên nhân chính dẫn đến nạn đói toàn cầu, khiến ngày càng có nhiều người dân đối mặt với bất ổn an ninh lương thực, tập trung chủ yếu tại các vùng giao tranh ở Congo, Sudan, Sahel và Haiti.

Ông nhấn mạnh các bên liên quan cần tuân thủ các quy định của luật nhân đạo quốc tế.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres khẳng định: "Đã đến lúc chúng ta thực hiện những cam kết bảo vệ dân thường"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục