Ngày 1/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng thế giới phải đối mặt với "một mối nguy hiểm hạt nhân chưa từng thấy kể từ thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh" và "chỉ cần một tính toán sai lầm cũng sẽ dẫn tới huỷ diệt hạt nhân."
Phát biểu của ông Guterres được đưa ra tại Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10, một hiệp ước quốc tế có hiệu lực vào năm 1970 để ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân.
Cuộc họp này được tổ chức tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York, vốn đã bị hoãn lại nhiều lần kể từ năm 2020 do đại dịch COVID-19, và sẽ kéo dài đến hết ngày 26/8.
Ông Guterres cho biết hội nghị này là "cơ hội để củng cố Hiệp ước NPT” và "làm cho hiệp ước này phù hợp với thế giới bất ổn xung quanh chúng ta," đồng thời viện dẫn cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và ở Trung Đông.
Hồi tháng 1/2022, 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp đã cam kết ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tại Hội nghị đánh giá Hiệp ước NPT lần trước vào năm 2015, các bên đã không thể đạt được thỏa thuận về các vấn đề cơ bản trong chương trình nghị sự.
[Nhật Bản công bố kế hoạch hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân]
Trong bức thư gửi các bên tham gia Hội nghị đánh giá lại Hiệp ước NPT, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định không thể có bên chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân và một cuộc chiến như vậy sẽ không bao giờ được xảy ra.
Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ: “Là một quốc gia thành viên tham gia Hiệp ước NPT và là một trong những quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân, Nga luôn tuân thủ chính sách và tinh thần của hiệp ước.”
Tổng thống Putin cũng tuyên bố ủng hộ an ninh bình đẳng và không thể chia cắt cho tất cả các thành viên của cộng đồng thế giới.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kêu gọi tất cả các quốc gia hạt nhân hành xử "có trách nhiệm" trong các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân, vào thời điểm mà nhà lãnh đạo Nhật Bản cho rằng lộ trình hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân đã trở nên khó khăn hơn./.