Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá cao vai trò quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc xây dựng cầu nối cho sự đoàn kết trong một thế giới bị chia rẽ.
Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong một thế giới ngày càng đa cực và đòi hỏi các thể chế đa phương phải trở nên mạnh mẽ hơn dựa trên sự công bằng, đoàn kết và dung nạp.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc lần thứ 13 vào ngày 7/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định thế giới đang rối ren bởi hàng loạt các cuộc khủng hoảng, từ tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng tồi tệ, chiến tranh và xung đột leo thang đến tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng, bất bình đẳng tiếp diễn và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
[Thủ tướng dự Hội nghị cấp cao ASEAN với Australia và với Liên hợp quốc]
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng thế giới đã xuất hiện nguy cơ về sự phân mảnh, rạn nứt trong hệ thống kinh tế và tài chính thế giới, với các chiến lược khác nhau về công nghệ và trí tuệ nhân tạo cũng như các khuôn khổ an ninh xung đột nhau.
Trong bối cảnh đó, ông Guterres cho rằng ASEAN đã có những nỗ lực mang tính xây dựng, từ việc xoa dịu căng thẳng trên Biển Đông đến quan ngại về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên bằng cách kêu gọi ưu tiên đối thoại và thúc đẩy sự tôn trọng luật pháp quốc tế.
Người đứng đầu Liên hợp quốc hoan nghênh cách tiếp cận có nguyên tắc của ASEAN trong việc yêu cầu Myanmar thực hiện Đồng thuận 5 điểm và kêu gọi tất cả các nước tiếp tục tìm kiếm một chiến lược thống nhất đối với Myanmar.
Với tư cách là nước Chủ tịch Luân phiên ASEAN năm 2023, Indonesia đã thể hiện cách tiếp cận kiên quyết trong việc kêu gọi tất cả các bên liên quan đối thoại chính trị.
Bên cạnh đó, ông Guterres cũng kêu gọi ASEAN tăng cường trao đổi, tìm kiếm giải pháp chống biến đổi khí hậu khi tình trạng khí hậu trên toàn cầu ngày càng trở nên khó lường hơn.
Ông Guterres cũng cho biết thêm Liên hợp quốc đang thảo luận về một cam kết đoàn kết về khí hậu. Trong đó, tất cả các nước có lượng phát thải lớn thuộc Nhóm các Nền kinh tế Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20) sẽ thảo luận để tìm kiếm những nỗ lực chung, nhằm cắt giảm khí thải, huy động nguồn lực tài chính và kỹ thuật để đẩy nhanh các tiến bộ trong các chiến lược chống biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng đánh giá cao các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Indonesia và Việt Nam, đang đi tiên phong trong thực hiện quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Đây là một mô hình quan trọng để đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải, thúc đẩy năng lượng tái tạo và phát triển nền kinh tế xanh./.