Sáng 15/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) tổ chức trọng thể Lễ khai mạc Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9. Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đã có bài phát biểu quan trọng, chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến chủ đề của Hội nghị.
Mở đầu bài phát biểu, Tổng Thư ký IPU trân trọng gửi lời cảm ơn tới Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã rất thành công trong công tác tổ chức Hội nghị.
Tổng Thư ký IPU nhấn mạnh Hội nghị diễn ra tại đất nước Việt Nam tươi đẹp, một quốc gia đã có những bước tiến đáng kể và tin cậy trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ cao.
Qua đó, Việt Nam đóng vai trò là "ngọn hải đăng" trong việc trao quyền cho giới trẻ khi nói đến công nghệ, và sẽ được nghe nhiều hơn về điều này trong những ngày Hội nghị tới.
[Khai mạc trọng thể Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội]
Tổng Thư ký IPU vui mừng khi thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc kết hợp hai khía cạnh công nghệ và trao quyền cho giới trẻ này; tin tưởng, qua những nỗ lực như vậy, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này.
Hoan nghênh Ban Tổ chức Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 với cách tiếp cận toàn diện trong việc thu hút giới trẻ và các nghị sỹ trẻ vào việc chuẩn bị Hội nghị, Tổng Thư ký IPU nêu rõ, thế giới đang chờ đợi những nỗ lực tại Hội nghị này.
Lễ khai mạc Hội nghị vào ngày 15/9 cũng chính là Ngày Dân chủ Toàn cầu, đánh dấu cột mốc năm 1997 tại Cairo, Ai cập, IPU thông qua một Tuyên bố chung về Dân chủ. Đây là một trong những nỗ lực đầu tiên của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này.
Tổng Thư ký IPU cho biết tại tòa nhà này - Trung tâm Hội nghị Quốc gia, IPU đã hoan nghênh việc bắt đầu triển khai các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Đó là một cột mốc đặc biệt và thể hiện cam kết chung của chúng ta trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của thế giới.
Khi kết thúc Đại hội đồng, Tuyên bố Hà Nội được thông qua đã trở thành hình mẫu cho IPU trong việc triển khai và hợp tác với các bên liên quan trong triển khai SDGs. " Trách nhiệm của IPU là biến những lời nói thành hành động; hoan nghênh nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam trong công tác này," Tổng Thư ký IPU nhấn mạnh.
Theo Tổng Thư ký IPU, kể từ năm 2015, các nghị viện đã vươn lên để ứng phó với các thách thức. Nhiều nghị sỹ đã ủng hộ mạnh mẽ cho phát triển bền vững tại quốc gia của mình, thúc đẩy sự thay đổi và biến các mục tiêu toàn cầu trở thành chủ đề trung tâm trong các cuộc trao đổi và thảo luận về chính sách.
Các cơ quan pháp lý và xây dựng pháp luật đã đưa ra các bộ luật, cải cách liên quan trực tiếp với SDGs, giải quyết các vấn đề như nghèo đói, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
Trên bình diện quốc tế, IPU đã thúc đẩy hợp tác liên nghị viện rất năng động, qua đó giúp các bên liên quan chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất và xây dựng các mối quan hệ đối tác mới.
IPU đang cải thiện quan hệ của mình thông qua các diễn đàn nghị viện thế giới và hiểu rằng việc triển khai SDGs là một hành trình chung của tất cả quốc gia. IPU đã cung cấp nền tảng để thúc đẩy đối thoại cũng như cung cấp nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các nghị viện, chẳng hạn như thông qua bộ công cụ tự đánh giá triển khai SDGs.
Những năm gần đây, IPU đã khẳng định niềm tin của mình đối với sức mạnh của công nghệ trong việc thúc đẩy triển khai SDGs, đặc biệt là khi thông qua Chiến lược Hành động giai đoạn 2022-2026.
Các thành viên IPU tập trung vào những yếu tố như đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi Số trong công tác của mình. Các nghị viện tự cường và đổi mới sáng tạo là một trong những mục tiêu chiến lược của IPU.
Khi đi trên con đường thực hiện chiến lược Chuyển đổi Số trong các thể chế, IPU đang thúc đẩy thay đổi cũng như muốn đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực này. Trong quá trình thực hiện, IPU muốn đưa càng nhiều nghị viện hợp tác cùng càng tốt.
Vì vậy, IPU đã triển khai Trung tâm Đổi mới Sáng tạo cho nghị viện vào năm 2018 nhằm đưa các nghị viện ngồi lại với nhau để thúc đẩy hợp tác và chia sẻ kiến thức.
IPU đang tổ chức các sự kiện hướng tới tương lai, như Hội nghị cấp cao các Ủy ban về Tương lai do IPU và Quốc hội Uruguay đồng tổ chức vào cuối tháng 9 này. Thông qua những sáng kiến đó, IPU đang củng cố các phương pháp hay để các nghị viện có thể có hành động cụ thể nhằm tận dụng tối đa các lợi thế của kỷ nguyên số.
Tổng Thư ký IPU đặt vấn đề, vậy làm thế nào để thực hiện điều này. Theo ông, đầu tiên phải rà soát lại các quy trình nghị viện để có thể tăng cường sự tham gia qua các nền tảng trực tuyến của các nghị sỹ, qua đó giúp họ thực hiện công việc hiệu quả hơn. Điều này rất quan trọng đối với các nghị sỹ trẻ, đặc biệt là đối với các nghị sỹ trẻ có trách nhiệm chăm sóc cho trẻ em.
Tổng Thư ký IPU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải xây dựng các nền tảng mới cho các nghị sỹ và các nghị viện để có thể kết nối tốt hơn với các cử tri, đóng góp nhiều hơn vào công tác chung của nghị viện.
Đồng thời, xây dựng và cải thiện các cơ quan của nghị viện hướng tới tương lai như Ủy ban về Tương lai để dự báo và ứng phó với những xu thế dài hạn hoặc những cú sốc có thể xảy ra trong tương lai. IPU hoan nghênh giới trẻ tham gia tích cực vào hoạt động của những Ủy ban này.
IPU kêu gọi các nghị viện thiết lập các chính sách và quy trình để ngăn ngừa và ứng phó với những hành vi bắt nạt, xâm phạm mà sử dụng công nghệ cũng như những hành vi bạo lực tới các nghị sỹ.
Đó là một số giải pháp mà IPU và các nghị viện có thể tận dụng để khai thác các công nghệ mới, giúp đạt được các SDGs. Trong những quá trình này, người tiên phong phải là những nghị sỹ trẻ.
"Chúng ta phải nhấn mạnh tầm quan trọng của nghị sỹ trẻ và thế hệ trẻ mà họ đại diện như những diễn giả trước đã nói: Các nghị sỹ trẻ và thế hệ trẻ nói chung đóng vai trò vô cùng quan trọng, phải tích cực hơn, chủ động hơn, tận dụng tốt hơn vai trò này; đồng thời, cần phải là động lực cho sự phát triển, đem lại những quan điểm, năng lượng và những giải pháp đổi mới sáng tạo cho các quy trình nghị viện hiện nay," Tổng Thư ký IPU Martin Chungong nêu rõ./.