Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh ngày 29/9 cho biết, sẽ không từ chức nếu các đối thủ chính trị (từng là đồng minh của ông) được phép tham gia các cuộc bầu cử.
Trả lời phỏng vấn các tờ Thời báo và Bưu điện Washington của Mỹ, ông Saleh khẳng định sẽ thực thi sáng kiến của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), bác bỏ những cáo buộc cho rằng ông tìm cách trì hoãn tiến trình này nhằm duy trì quyền lực.
Tổng thống Yemen cho biết, kế hoạch của GCC yêu cầu loại bỏ "tất cả các nhân tố gây căng thẳng tại Yemen," đồng thời cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến ở nước này nếu yêu cầu này không được đáp ứng.
Theo nhận định của giới phân tích, tuyên bố nói trên của ông Saleh ám chỉ tới Tướng Ali Mohsen al-Ahmar, người đã gia nhập hàng ngũ chống đối kể từ đầu năm 2011, và bộ tộc Ahmar có thế lực tại Yemen. Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Saleh khẳng định sẽ không chuyển giao quyền lực nếu Tướng Mohsen và bộ tộc Ahmar vẫn duy trì ảnh hưởng tại Yemen.
Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn lần đầu tiên kể từ khi về nước từ Arập Xêút hôm 23/9, ông Saleh cũng cho rằng: "Việc chuyển giao quyền lực trong bối cảnh Tướng Mohsen và bộ tộc Ahmar vẫn có ảnh hưởng lớn ở Yemen là rất nguy hiểm và có nguy cơ dẫn tới một cuộc nội chiến."
Theo ông Saleh, Tướng Mohsen và bộ tộc Ahmar, cùng phe đối lập, có dính líu tới cuộc ám sát ông và những nhân tố này sẽ phải đưa ra xét xử nếu bị phát hiện có tội.
Hiện chính phủ của ông Saleh đang chờ kết quả cuộc điều tra của Mỹ về vụ Dinh Tổng thống ở thủ đô Sanaa bị nã pháo ngày 3/6 làm thương ông Saleh cùng nhiều quan chức cấp cao Chính phủ Yemen.
Trong khi đó, xung đột giữa những người biểu tình và lực lượng chính phủ vẫn diễn ra tại nhiều nơi ở Yemen.
Các nguồn tin địa phương cho biết, đã xảy ra nhiều vụ nổ súng tại khu vực của những người biểu tình ở miền Nam và các quận phía Bắc thủ đô Sanaa. Các nhân chứng cho biết xung đột xảy ra vào chiều tối 29/9 với nhiều tiếng súng hạng nặng, xe bọc thép đã tiến vào khu vực quảng trường và có thể là để chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự.
Theo một tổ chức nhân đạo của Liên hợp quốc, đã có hơn 100.000 người dân tại Yemen phải đi sơ tán do xung đột tại miền Nam nước này, trong đó nhiều người phải lánh nạn vào các trường học tại thành phố Aden.
Xung đột, thiếu thốn thực phẩm và nguồn nước tại nhiều khu vực tại Yemen làm gia tăng những lo ngại về việc đáp ứng nhu cầu nhân đạo cho người dân Yemen./.