Tổng thống Ukraine muốn đàm phán về hòa bình tại cuộc gặp ở Minsk

Tại cuộc gặp cấp cao giữa Ukraine, Nga và EU ở Minsk, Belarus vào ngày 26/8, Tổng thống Ukraine Petro Porosheko dự định sẽ đàm phán về hòa bình trong khu vực này.
Tổng thống Ukraine muốn đàm phán về hòa bình tại cuộc gặp ở Minsk ảnh 1Xe tăng quân đội Ukraine. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại cuộc gặp cấp cao giữa Ukraine, Nga và Liên minh châu Âu (EU) ở Minsk, Belarus vào ngày 26/8 tới đây bàn về an ninh năng lượng và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko dự định sẽ đàm phán về hòa bình trong khu vực này.

Thông tin trên được Cơ quan báo chí Phủ tổng thống Ukraine công bố ngày 21/8.

Ông Poroshenko tuyên bố sẽ cùng một "đội ngũ mạnh" gồm 3 đại diện cấp cao từ EU nhằm thể hiện được quan điểm vững chắc trong đàm phán về hòa bình.

Theo kế hoạch, cuộc gặp giữa ông Poroshenko với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có sự hiện diện của lãnh đạo hai nước thành viên Liên minh Hải quan là Belarus và Kazakhstan, cũng như Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Catherine Ashton, cùng đại diện EU về thương mại Karel De Gucht và về năng lượng Guenther Oettinger.

Cùng ngày, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine cũng cho biết Kiev chờ đợi những kết quả tích cực từ cuộc gặp gỡ này.

Trả lời báo giới, Thư ký Hội đồng Andrey Lysenko không xác nhận khả năng Ukraine ngừng bắn đơn phương trong thời gian đàm phán, tuy nhiên khẳng định Kiev vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch lập lại hòa bình 15 điểm do Tổng thống Poroshenko đề xuất từ ngày 19/6.

Liên quan đến vấn đề an ninh khi Nga đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua tuyên bố yêu cầu ngừng bắn tại miền Đông Ukraine trong thời gian vận chuyển hàng cứu trợ cho miền Đông Nam Ukraine, ngày 21/8, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định không cần phải huy động Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để hỗ trợ ngừng bắn tại Ukraine trong thời gian này.

Phát biểu trước báo giới, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói chính quyền Kiev đã tỏ ý sẵn sàng ngừng bắn, tuy nhiên lực lượng dân quân vẫn "tiếp tục tiến hành các hành động quân sự."

Mặc dù vậy, chính quyền Mỹ cho rằng lực lượng này có thể ủng hộ việc ngừng bắn mà không cần đến sự can thiệp của Hội đồng Bảo an.

Cũng liên quan đến tình hình chiến sự tại miền Đông-Nam Ukraine, khả năng nối lại cuộc điều tra quốc tế tại hiện trường vụ rơi máy bay MH17 tại khu vực này đã được Ngoại trưởng Hà Lan, nước có đông công dân thiệt mạng nhất trong thảm họa trên, ông Frans Timmermans, thảo luận với người đồng cấp Ukraine trong chuyến thăm Kiev vào ngày 21/8.

Ngoại trưởng Hà Lan đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề an toàn cho các chuyên gia và tầm quan trọng của việc không để gián đoạn cuộc tìm kiếm các bằng chứng còn lại trong bối cảnh chiến sự vẫn tiếp diễn tại khu vực máy bay rơi.

Ngoại trưởng Hà Lan cũng cho biết Chính phủ nước này sẽ hỗ trợ bổ sung 500.000 euro thông qua Liên hợp quốc cho người dân đang có nguy cơ rơi vào thảm họa nhân đạo do các hành động chiến sự kéo dài 4 tháng qua ở miền Đông Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục