Quốc vương Arập Xêút Abdullah ngày 15/1 ra thông báo xác nhận ông Ben Ali và gia đình đã tới Riyadh và được "Arập Xêút chào đón."
Thông báo trên cũng bày tỏ ủng hộ đối với các nỗ lực lập lại an ninh và ổn định tình hình tại Tunisia.
Biến động chính trị này xảy ra sau khi Tổng thống Ben Ali ban bố tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc, tuyên bố giải tán chính phủ để tổ chức bầu cử trong thời gian sáu tháng tới.
Quyết định trên của ông Ben Ali được đưa ra khi cuộc míttinh của hàng nghìn người phản đối chính phủ biến thành bạo lực, buộc cảnh sát phải sử dụng đạn hơi cay để giải tán.
Những người biểu tình ngày càng trở nên quá khích sau khi có thêm 13 người biểu tình thiệt mạng trong đêm 13/1 mặc dù trước đó chính phủ hứa ngừng sử dụng đạn thật để giải tán biểu tình. Theo một báo cáo không chính thức, ít nhất 70 người đã thiệt mạng từ khi xảy ra bạo loạn tại Tunisia từ ngày 17/12.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã ngay lập tức ra tuyên bố kêu gọi các bên ở Tunisia kiềm chế và đối thoại để chấm dứt bạo loạn đổ máu.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 14/1, ông Ban Ki-moon bày tỏ đau buồn về những người đã thiệt mạng và kêu gọi tránh sử dụng vũ lực. Ông nhấn mạnh: "Tình hình chính trị đang diễn biến rất nhanh. Tất cả các bên liên quan cần cố gắng xây dựng đối thoại và giải quyết các vấn đề một cách hòa bình nhằm tránh bạo lực leo thang."
Tổng thống Ben Ali đã lãnh đạo Tunisia từ tháng 11/1987 và là vị Tổng thống thứ hai của Cộng hòa Tunisia. Ông được coi là nhà lãnh đạo có công trong việc cải cách nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Kể từ khi ông Ben Ali lên nắm quyền lãnh đạo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tunisia đã tăng gấp hơn ba lần, từ 1.201 tỷ USD năm 1986 lên 3.786 tỷ USD năm 2008. Năm 2010, nền kinh tế Tunisia được nhìn nhận là một trong những “Con hổ” của châu Phi.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tại Tunisia các cuộc biểu tình thường xuyên diễn ra nhằm phản đối tình trạng thất nghiệp, giá lương thực tăng cao và những người biểu tình quá khích đã nhiều lần tấn công vào một số cơ quan, trụ sở công quyền. Đỉnh điểm là tại thị trấn Rép, cách thủ đô Tunisia khoảng 210km về phía Tây, những người biểu tình ngày 9/1 đã đốt phá trụ sở, cơ quan của chính quyền địa phương, buộc lực lượng cảnh sát phải nổ súng để giải tán và thiết lập lại an ninh trật tự./.