Truyền thông Bắc Phi ngày 9/7 cho biết Tổng thống Tunisia Kais Saied đã công bố phiên bản sửa đổi của dự thảo hiến pháp vào cuối ngày 8/7, trong một nỗ lực nhằm tránh bị chỉ trích, sau khi phiên bản gốc của dự thảo hiến pháp bị phê phán là trao quyền gần như “vô hạn” cho tổng thống.
Hiến pháp mới, dự kiến sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân trong tháng này, là trọng tâm trong kế hoạch của Tổng thống Saied nhằm tái thiết hệ thống chính trị của Tunisia.
Văn kiện này được công bố gần một năm sau khi ông Saied giải tán chính phủ của Thủ tướng Hichem Mechichi và đình chỉ hoạt động của Quốc hội, đồng thời nắm quyền điều hành đất nước.
Tuy nhiên, một chuyên gia pháp lý chịu trách nhiệm giám sát việc soạn thảo hiến pháp đã bác bỏ bản dự thảo hiến pháp này, đồng thời nói rằng văn kiện này "hoàn toàn khác" với những gì mà ủy ban của ông đã đệ trình.
[Phe đối lập Tunisia phản đối động thái thay Hiến pháp của Tổng thống]
Theo dự thảo sửa đổi được công bố vào đêm 8/7, hai điều khoản đã được thay đổi, song vẫn giữ một loạt quyền hạn cho tổng tống. Vài giờ trước khi văn bản mới được công bố, Tổng thống Saied thông báo rằng "việc giải thích chi tiết là cần thiết để tránh bị nhầm lẫn."
Ông Saied muốn có một hệ thống mới thay thế hiến pháp năm 2014. Theo đề xuất của ông, "tổng thống thực hiện các chức năng hành pháp với sự giúp việc của chính phủ, và người đứng đầu chính phủ sẽ do tổng thống bổ nhiệm mà không phải bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội."
Tổng thống cũng sẽ là người đứng đầu các lực lượng vũ trang. Bản hiến pháp mới được cho là sẽ làm giảm vai trò của Quốc hội, tạo ra cơ quan nghị viện mới cho "các vùng và quận", phù hợp với tầm nhìn dài hạn của ông Saied về việc phân cấp quyền lực.
Một số người Tunisia đã hoan nghênh các động thái của ông Saied nhằm chống lại hệ thống chính trị cứng nhắc nổi lên từ cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Zien El Abidine Ben Ali vào năm 2011.
Tuy nhiên, những người khác cảnh báo rằng ông Saied đang nhắm vào các đối thủ chính trị và đưa đất nước trở lại chế độ chuyên quyền./.