Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11-12/11/2017. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới Việt Nam và diễn ra ngay trong năm cầm quyền đầu tiên, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Chuyến thăm cũng cho thấy Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó coi trọng thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.
Hợp tác tích cực trên các lĩnh vực
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tích cực, đặc biệt sau chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ thành công của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (29-31/5/2017). Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn các cấp và đã tích cực triển khai các kết quả, thỏa thuận trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua đã đạt được những bước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện (tháng 7/2013). Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã đạt nhiều tiến triển mới trên cả bình diện song phương và đa phương, trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị và con đường phát triển của nhau, vì lợi ích của hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển của khu vực.
Hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp. Phía Hoa Kỳ cử nhiều đoàn thăm Việt Nam: Tổng thống Barack Obama (tháng 5/2016), Ngoại trưởng John Kerry (tháng 1/2017), Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (tháng 6/2015)... Về phía Việt Nam thăm Hoa Kỳ có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7/2015); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 9/2015), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Đại hội đồng Liên hợp quốc (tháng 9/2015); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ (tháng 2/2016); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân (tháng 4/2016); Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Ngoại trưởng John Kerry (tháng 10/2016).
Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, hai bên tiếp tục duy trì các hoạt động trao đổi, tiếp xúc. Từ ngày 19-22/4/2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Ngoại trưởng Rex Tillerson. Từ ngày 29-31/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Trong chuyến thăm, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ thăm chính thức Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11/2017.
Quan hệ giữa Quốc hội hai nước vừa qua phát triển tích cực. Vừa qua, Việt Nam đã đón Đoàn Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain và Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Thornberry; Đoàn Chủ tịch Tiểu ban các lực lượng chiến lược, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ Mike Rogers.
Mở ra nhiều cơ hội hợp tác
Nhiều cơ hội hợp tác đang mở ra trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại ngày càng được tăng cường, hợp tác tăng lên trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ, quốc phòng-an ninh, giáo dục, giao lưu nhân dân, giải quyết hậu quả chiến tranh, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Từ năm 2005, Hoa Kỳ trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng liên tục ở mức 20% trong những năm gần đây, ước đạt 53 tỷ USD năm 2016, trong đó Việt Nam tiếp tục xuất siêu 30,9 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ vẫn tập trung vào những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, máy vi tính, thủy sản, nông sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ và tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt 20%. Việt Nam luôn duy trì mức thặng dư lớn trong cán cân trao đổi thương mại với Hoa Kỳ.
Đến tháng 11/2016, Hoa Kỳ xếp thứ 8/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với 815 dự án có tổng vốn đăng ký 10,07 tỷ USD, đồng thời xếp thứ 9/68 quốc gia tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam với 147 dự án đầu tư có tổng vốn đăng ký 571,38 triệu USD. Từ ngày 27-28/3, hai bên đã tái khởi động cuộc họp kỹ thuật của Hội đồng Hiệp định khung về thương mại và đầu tư song phương.
Hợp tác an ninh-quốc phòng được duy trì trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ 2015. Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Về khoa học-kỹ thuật, hai bên ký Tuyên bố hợp tác về Khoa học Công nghệ (tháng 3/2015). Hợp tác giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân trên đà phát triển tích cực. Tính đến tháng 11/2016, Việt Nam có hơn 31.000 sinh viên, thực tập sinh đang theo học tại Hoa Kỳ, đứng đầu các nước Đông Nam Á, đứng thứ 6 trong số các nước có nhiều du học sinh tại Hoa Kỳ. Hai bên đang tích cực triển khai dự án Đại học Fulbright tại Việt Nam... Lượng khách du lịch Hoa Kỳ đến Việt Nam năm 2016 đạt trên 550 nghìn lượt (tăng 12,8% so với 2015).
Phía Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm tới các vấn đề hợp tác y tế, môi trường, nhân đạo. Trong chuyến thăm của Tổng thống Obama (tháng 5/2016), hai bên đã ra hai Công bố chung về Đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ về lĩnh vực Biến đổi khí hậu và Đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ về lĩnh vực chống buôn bán động thực vật hoang dã. Theo đó, phía Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam 60 triệu USD trong 5 năm để ứng phó với biến đổi khí hậu và 10 triệu USD trong 5 năm để phòng, chống buôn bán động thực vật hoang dã.
Hai bên tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM +)… trong đó có các vấn đề khu vực như an ninh an toàn hàng hải, củng cố đoàn kết ASEAN, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, triển khai Đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN; cũng như các vấn đề toàn cầu như chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng và nguồn nước, chống tội phạm xuyên quốc gia...
Về vấn đề dân chủ, nhân quyền, hai bên tiếp tục đối thoại thẳng thắn, xây dựng về các vấn đề còn khác biệt, không để tác động tiêu cực đến các lĩnh vực hợp tác khác trong quan hệ song phương./.