Truyền thông Mỹ ngày 16/4 đã đưa tin về những đường lối chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump đối với kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế theo 3 giai đoạn, trong đó có thể cho phép một số bang của Mỹ bắt đầu dỡ bỏ các quy định hạn chế ngay trong tháng này.
Trong giai đoạn đầu, các địa điểm như nhà hàng và rạp chiếu phim có thể hoạt động trở lại cùng với quy định giãn cách xã hội chặt chẽ.
Ở giai đoạn 2, việc hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu có thể được dỡ bỏ và các trường học có thể mở cửa trở lại.
Trong giai đoạn 3, những người trong nhóm dễ bị tổn thương sức khỏe có thể tương tác trở lại với cộng đồng.
Theo các báo, Tổng thống Trump đã cho phép một số bang nới lỏng phong tỏa từ ngày 1/5 hoặc sớm hơn.
Trước đó, ông Trump khẳng định các dữ liệu trên toàn quốc cho thấy Mỹ dường như đã vượt qua được đỉnh điểm của dịch COVID-19 nên nền kinh tế có thể mở cửa trở lại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới cần triển khai các biện pháp cấp bách để hạn chế thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với giới chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ trưởng Mnuchin nhấn mạnh các nước thành viên cần phải triển khai những biện pháp tài chính và tiền tệ "đặc biệt" để ngăn chặn hậu quả mà đại dịch COVID-19 gây ra và hạn chế những thiệt hại trong dài hạn.
Ông Mnuchin khẳng định, tất cả các nước phải sẵn sàng đẩy nhanh và mở rộng các biện pháp chính sách khi tình hình diễn biến phức tạp. Cũng trong phát biểu của mình, ông Mnuchin cho rằng nhu cầu tại các quốc gia thu nhập thấp trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay cũng đặc biệt lớn.
Thậm chí ngay cả khi Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cam kết giãn nợ cho 76 quốc gia nghèo nhất thế giới, việc tài trợ khẩn cấp của IMF và WB đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ các nước này.
Theo ông Mnuchin, Chính phủ Mỹ đang xem xét đóng góp cho 2 trong số các quỹ khẩn cấp, vốn phụ thuộc vào việc đóng góp của các nước thành viên, để cung cấp hỗ trợ các nước nghèo nhất thế giới.
Trước đó, Chính phủ Mỹ đã ban hành gói cứu trợ kinh tế trị giá hơn 2.000 tỷ USD để hỗ trợ các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh như các hãng hàng không. IMF ước tính các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã "bơm" 8.000 tỷ USD để giải cứu thị trường./.