Trong một động thái có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/8 đã từ chối đề xuất dỡ bỏ thuế ôtô của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng đề xuất này “chưa đủ tốt.”
Chỉ vài giờ trước đó, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstroem cho biết khối này “sẵn sàng giảm thuế ôtô xuống mức 0” miễn là Mỹ cũng có động thái tương tự. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, Tống thống Trump cho rằng đề xuất này của Brussels là “chưa đủ tốt.” Ông nói rằng người tiêu dùng châu Âu có thói quen mua xe do họ sản xuất, chứ không phải mua xe của Mỹ.
Nhà Trắng hồi tháng Bảy đã nỗ lực xoa dịu căng thẳng thương mại với EU khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhóm họp và cam kết phối hợp với nhau để hướng tới một thỏa thuận thương mại có thể xóa bỏ nhiều mức thuế, nhưng lại không bao gồm mặt hàng ôtô.
[Liên minh châu Âu bất đồng sâu sắc với Mỹ về vấn đề thương mại]
Tổng thống Mỹ ngày 30/8 còn dọa sẽ tiếp tục đánh thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày một gia tăng.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu cơ quan này “không có sự điều chỉnh.” Ông Trump cho rằng Mỹ bị đối xử không công bằng trong thương mại quốc tế và chỉ trích WTO đã để điều này xảy ra. Đầu tháng Bảy vừa qua, ông Trump cũng từng đe dọa sẽ có hành động chống lại WTO, mặc dù ông không nói cụ thể.
Theo giới quan sát, việc Mỹ rút khỏi WTO sẽ hủy hoại một trong những nền tảng của hệ thống thương mại toàn cầu mà Mỹ đã góp công tạo ra này.
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump luôn thể hiện quan điểm cứng rắn trong các vấn đề thương mại. Ông đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, cùng với đó là bắt đầu đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) để mang lại lợi ích lớn hơn cho nước Mỹ. Gần đây nhất, Mỹ liên tiếp áp mức thuế quan mới đối với hàng hóa của nhiều đối tác thương mại lớn, gây áp lực không nhỏ đối với hệ thống thương mại đa phương.
Đặc biệt, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc liên quan chính sách áp thuế lẫn nhau đang tác động nặng nề không chỉ đối với nền kinh tế hai nước mà còn với cả thế giới. Các chuyên gia kinh tế ước tính mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%./.