Tổng thống Trump đang thay đổi chính sách với Iran?

Theo trang mạng eurasiareview.com, chính quyền Trump đang nỗ lực xoa dịu căng thẳng với Iran, từ đó giảm bớt nguy cơ xung đột quân sự và thúc đẩy các cuộc đàm phán ngoại giao.
Tổng thống Trump đang thay đổi chính sách với Iran? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, chính quyền Trump đang nỗ lực xoa dịu căng thẳng với Iran, từ đó giảm bớt nguy cơ xung đột quân sự và thúc đẩy các cuộc đàm phán ngoại giao.

Ngày 2/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đã sẵn sàng đàm phán với Iran mà không cần bất cứ “điều kiện tiên quyết” nào, một sự thay đổi chiến lược sau khi Mỹ đã đề ra một danh sách gồm 12 yêu cầu cứng rắn hồi năm ngoái, một danh sách được coi là tập hợp các điều kiện tiên quyết.

Hồi tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố không tìm kiếm một sự thay đổi chế độ ở Iran, và điều này trái ngược với những gì Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton của ông đã lặp đi lặp lại về nỗ lực lật đổ chế độ ở Tehran.

Ngoại trưởng Pompeo phát biểu tại Thụy Sĩ: “Chúng tôi đã chuẩn bị cho một cuộc đối thoại mà không cần điều kiện tiên quyết nào. Chúng tôi sẵn sàng ngồi xuống bàn đàm phán với họ. Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ nhằm thay đổi triệt để hành vi hiểm ác của Cộng hòa Hồi giáo vẫn sẽ tiếp tục.”

Có vẻ như Trump cũng đang giảm nhẹ chính sách của mình đối với sự xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Hồi tháng 4, chính quyền thông báo sẽ không kéo dài thời gian miễn trừ cho các nước mua dầu mỏ của Iran, một động thái nhằm đẩy sản lượng xuất khẩu của Iran xuống mức 0, đúng theo cam kết lâu nay của chính quyền.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu với tờ Washington Post hồi tháng 4: “Chính sách đẩy xuất khẩu dầu mỏ của Iran xuống 0 có nguồn gốc từ Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ông đã thực hiện chính sách này với sự hợp tác chặt chẽ của Tổng thống trong từng bước hành động. Do các điều kiện để hủy bỏ sự miễn trừ đã được đáp ứng, chúng tôi hiện đã có thể tuyên bố lượng dầu xuất khẩu của Iran đã bằng 0.”

Tuy nhiên, hiện có một số thay đổi nảy sinh trong chính sách này. Theo tờ Wall Street Journal, Mỹ sẽ cho phép một số quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, chủ yếu là theo phần được miễn trừ cũ của họ.

[Mỹ sẵn sàng đối thoại với Iran về vấn đề hạt nhân]

CTờ báo này cho biết chừng nào họ chưa chạm đến mức trần đó họ vẫn được đảm bảo duy trì quyền miễn trừ cũ, và Mỹ sẽ không trừng phạt họ.

Brian Hook, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại hôm 30/6: “Một khi họ chạm mức trần đã được thỏa thuận, đó sẽ là mức dầu mỏ mà chúng tôi cho phép, và không bị trừng phạt.

Chúng tôi sẽ trừng phạt mọi nỗ lực nhập khẩu dầu thô từ Iran vượt giới hạn đã được nhất trí trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 5.”

Các quan chức của ông Trump cho biết không có một sự gia hạn miễn trừ vào tháng 4, song các bình luận của ông Hook cho thấy dường như đã có một sự gia hạn miễn trừ, mặc dù chính quyền không muốn gọi đó là sự miễn trừ.

Những bình luận của Hook với báo giới đã làm dấy lên thêm nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Tuy nhiên, sau đó ông đã nõi rõ hơn là những lượng dầu được mua hay đang vận chuyển trong giai đoạn trước khi hạn miễn trừ kết thúc vào 2/5 vẫn được chấp nhận, còn sau đó thì không. Và như vậy là không có một sự gia hạn nào?

Chiến lược của Nhà Trắng tiếp tục gây khó hiểu khi Mỹ cách đây hai tuần đã rút lại chính sách "bên miệng hố chiến tranh."

Ông Trump dường như không muốn một cuộc xung đột quân sự, kể cả khi ông ủng hộ chiến dịch “gây áp lực tối đa.”

Nếu có một chiến lược nào đó khá rõ ràng từ phía Trump thì đó chính là sự theo đuổi một “thỏa thuận” có lợi… Tầm nhìn của ông về một thỏa thuận không phải lúc nào cũng tương ứng với tầm nhìn của cơ quan hoạch định chính sách ngoại giao Mỹ, và điều này tạo ra những tín hiệu phức tạp và khó hiểu.

Ông Trump cũng từng như vậy với Triều Tiên khi để căng thẳng leo thang đến mức cận kề bờ vực chiến tranh, song sau đó lại bất ngờ kêu gọi một thỏa thuận.

Hiện còn quá sớm để nói điều này có hay không xảy ra trong trường hợp hiện nay, song Trump cũng đang nhấn mạnh mong muốn đàm phán của mình, trong khi cho đến gần đây thì vẫn để John Bolton theo đuổi một chiến thuật hiếu chiến hơn.

Trump phát biểu tại Nhật Bản hồi tuần trước: “Tôi thực sự tin tưởng rằng Iran muốn đàm phán một thỏa thuận, và tôi nghĩ đó là chiến lược thông minh, và nó có khả năng xảy ra. Hồi đầu tháng 5, Trump nói với báo giới rằng “Điều tôi muốn thấy với Iran là họ sẽ gọi cho tôi.”

Tuy nhiên, Iran sẽ không đơn giản nhấc máy điện thoại lên chỉ vì Trump muốn trò chuyện với họ, nhất là sau khi phải hứng chịu những lệnh trừng phạt khắc nghiệt, càng không phải sau khi ký vào một thỏa thuận quyết định với người tiền nhiệm của Trump, để bây giờ chứng kiến nó bị xé nát.

Bất cứ ai nắm được lịch sử mối quan hệ Iran đều không dám đánh cược vào sự thay đổi của Iran.

Như vậy, thế đối đầu khả năng sẽ vẫn tiếp diễn. Theo Bloomberg, sản lượng dầu mỏ của Iran tháng 5 đã giảm 230.000 thùng/ngày xuống mức 2,32 triệu thùng/ngày, còn số liệu xuất khẩu trong tháng 5 theo Reuters là khoảng 400.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ không thể bằng 0 dù nó có tiếp tục sụt giảm.

Nghịch lý là cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc (và tới đây sẽ là với Mexico), đang tác động đến thị trường dầu mỏ khi nhu cầu bị sụt giảm.

Điều này thực sự tạo điều kiện cho Trump thắt chặt gọng kìm với xuất khẩu dầu mỏ của Iran.

Sự khan hiếm trên thị trường dầu mỏ và giá dầu mỏ tăng cao đã buộc Mỹ nhiều lần phải rút lại áp lực trong năm vừa qua.

Với những nỗi lo sợ về suy thoái, có thể sẽ xuất hiện một sự trì trệ trên thị trường, tạo điều kiện cho Trump theo đuổi chính sách đẩy xuất khẩu Iran xuống 0. Chỉ không rõ là chính quyền của ông muốn đi xa tới đâu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục