Căng thẳng tiếp tục bùng phát trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan khi ngày 11/3, Chính phủ Hà Lan đã không cho phép Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlet Cavusoglu bay đến thành phố Rotterdam nhằm vận động cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại đây ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Trước đó, Chính phủ Hà Lan đã bày tỏ việc không ủng hộ chuyến thăm của Ngoại trưởng Cavusoglu tới Rotterdam, song nhà ngoại giao này tuyên bố ông vẫn sẽ tới Hà Lan để vận động chính trị theo kế hoạch vào ngày 11/3.
Bên cạnh đó, ông Cavusoglu còn cho rằng Ankara sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn về kinh tế và chính trị đối với Hà Lan nếu Amsterdam cản trở chuyến thăm này.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Hà Lan nêu rõ: "Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai đe dọa các biện pháp trừng phạt. Điều này khiến một giải pháp hợp lý là không thể có được. Vì lý do đó, Hà Lan phải cho Thổ Nhĩ Kỳ biết nước này sẽ rút lại quyết định cho phép máy bay của Ngoại trưởng Cavusoglu hạ cánh."
Theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, ông Cavusoglu vẫn ở Istanbul khi Chính phủ Hà Lan thông báo quyết định trên.
Ngay sau khi Hà Lan đưa ra quyết định trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan dọa sẽ trả đũa Hà Lan.
Phát biểu tại một cuộc tuần hành ở Istanbul, Tổng thống Erdogan đã coi Hà Lan là "phátxít, tàn dư của Đức quốc xã."
Ông cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả đũa bằng cách cấm các chính trị gia Hà Lan bay tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã triệu Phó Đại sứ Hà Lan tại Ankara đến Bộ Ngoại giao để phản đối quyết định trên.
Trước đó, Đức và Áo cũng đã cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vận động cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại các nước này ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp nhằm tăng quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Vụ việc này đã dẫn đến căng thẳng giữa hai nước Đức và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Tổng thống Erdogan gọi cách hành xử của Đức là "phátxít"./.