Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tới Tunisia thảo luận về tình hình Libya

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thảo luận với người đồng cấp Tunisia Kaies Saied về các kế bước đi và kế hoạch hợp tác có thể giúp thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn ở Libya.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã bất ngờ thăm Tunisia và gặp người đồng cấp Kaies Saied, với chương trình nghị sự tập trung vào vấn đề Libya.

Ông Erdogan cho biết đã thảo luận với người đồng cấp Tunisia về các kế bước đi và kế hoạch hợp tác có thể giúp thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn ở Libya.

Trong cuộc họp báo chung, ông Erdogan bày tỏ tin tưởng Tunisia sẽ có đóng góp "giá trị và mang tính xây dựng" cho việc thiết lập ổn định ở Libya.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh cần thiết lập một lệnh ngừng bắn ở Libya sớm nhất có thể.

Ngoài ra, cố vấn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rachida Ennaifer cho biết hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisa cũng thảo luận song phương về các dự án đầu tư lớn.

[Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ xem xét dự luật cho phép điều quân tới Libya]

Trước đó, hôm 23/12, Tổng thống Tunisia cũng đã đón tiếp nhiều đại diện của các thành phố Libya và Hội đồng tối cao các bộ lạc, thảo luận về khả năng triển khai một sáng kiến giúp tháo gỡ cuộc khủng hoảng Libya.

Thời gian gần đây Thổ Nhĩ Kỳ tích cực mở rộng hợp tác với Chính phủ Libya được quốc tế công nhận (GNA).

Hồi tháng 11, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự với GNA sau khi hai bên ký kết một thỏa thuận về phân định quyền tài phán trên biển giữa hai nước, văn kiện vốn đang vấp phải sự phản đối của nhiều nước.

Thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự này sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ về trang thiết bị và huấn luyện quân sự cho GNA - lực lượng vốn đang kiểm soát thủ đô Tripoli và một số khu vực ở miền Tây nước này trong khi thỏa thuận về phân định quyền tài phán trên biển sẽ cho phép Ankara tiếp cận vùng kinh tế còn đang tranh chấp ở phía Đông của biển Địa Trung Hải.

Hôm 22/12, Tổng thống Erdogan tuyên bố nước này sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Libya nếu cần thiết, trong đó các phương án sử dụng bộ binh, không quân và hải quân đều được xem xét lựa chọn.

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi.

Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA do Thủ tướng Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Trong khi đó, lực lượng của Tướng Khalifa Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục