Tổng thống tái cử Afghanistan Ghani đối mặt khó khăn chồng chất

Bế tắc chính trị lên đỉnh điểm khi trong ngày 9/3, ông Abdullah cũng tổ chức lễ tuyên thệ tại thủ đô Kabul cùng thời điểm với lễ nhậm chức của Tổng thống Ghani sau khi các cuộc đàm phán thất bại.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (giữa) trong cuộc họp báo sau khi bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Kabul ngày 28/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (giữa) trong cuộc họp báo sau khi bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Kabul ngày 28/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 9/3 đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, tiếp tục đảm nhận cương vị người lãnh đạo một quốc gia vốn thường xuyên chìm trong bạo lực và bất ổn.

Afghanistan đang bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Ông Ghani giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng Chín năm ngoái, song tiến trình công bố bị trì hoãn do 5 tháng kiểm phiếu lại.

Trước đó, Ủy ban Bầu cử độc lập Afghanistan đã phải 2 lần trì hoãn việc công bố kết quả sơ bộ do những cáo buộc gian lận và lỗi kỹ thuật liên quan tới công tác kiểm phiếu.

Cho tới khi kết quả bầu cử được chính thức công bố hồi tháng Hai vừa qua với chiến thắng thuộc về đương kim tổng thống, đối thủ của ông Ghani là ông Abdullah Abdullah - quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan - vẫn tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử và thành lập chính phủ của riêng mình.

Bế tắc chính trị lên đỉnh điểm khi trong ngày 9/3, ông Abdullah cũng tổ chức lễ tuyên thệ tại thủ đô Kabul cùng thời điểm với lễ nhậm chức của Tổng thống Ghani sau khi các cuộc đàm phán giữa hai bên do Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad làm trung gian thất bại.

Đây được xem là một “thảm họa” về chính trị của Afghanistan, kéo theo những hệ lụy về an ninh và đoàn kết dân tộc.

Việc phe đối lập không hợp tác và tổ chức thành lập chính phủ của riêng mình sẽ đe dọa hoạt động của chính quyền bởi một quốc gia không thể có hai chính phủ với hai Tổng thống cùng tồn tại.

Tổng thống tái cử Afghanistan Ghani đối mặt khó khăn chồng chất ảnh 1Ông Abdullah Abdullah (phía trước), Quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan, trong cuộc họp báo tại Kabul sau khi kết quả cuối cùng cuộc bầu cử Tổng thống được công bố, ngày 18/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sự đối đầu giữa tổng thống và phe đối lập đang phủ bóng đen lên các cuộc đàm phán giữa chính phủ với Taliban, dự kiến bắt đầu vào ngày 10/3.

Một nhà ngoại giao của nước có Đại sứ quán đặt tại thủ đô Kabul được mời tới dự buổi lễ của ông Abdullah nhận định: "Đây là một điềm xấu cho tiến trình hòa bình."

[Ông Ghani tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Afghanistan nhiệm kỳ 2]

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ông Ghani là khởi động lại vòng đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban.

Việc Mỹ và Taliban ký kết thỏa thuận hòa bình tại Doha (Qatar) hồi cuối tháng Hai vừa qua đã mở đường cho tiến trình rút toàn bộ binh sỹ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khỏi Afghanistan trong 14 tháng tới.

Đổi lại, Taliban sẽ ngăn chặn bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, bao gồm cả nhóm khủng bố al-Qaeda, lợi dụng lãnh thổ Afghanistan để đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh.

Tuy nhiên, trong khi thỏa thuận vốn được kỳ vọng là "viên gạch" đầu tiên hướng tới hòa bình lâu dài tại Afghanistan vẫn còn “chưa ráo mực,” tình trạng bạo lực do lực lượng Taliban tiến hành tại quốc gia Tây Nam Á này vẫn leo thang trong những ngày qua.

Thế nhưng, phần khó khăn nhất trong tiến trình hòa bình Afghanistan lại nằm ở các cuộc đàm phán nội bộ giữa chính quyền Kabul và Taliban.

Hiện nay, lập trường trái ngược của Chính phủ Afghanistan và Taliban về vấn đề trao đổi tù nhân trong thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban đang khiến triển vọng đàm phán trở nên mù mịt.

Theo thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban, Taliban phải trả tự do cho tối đa 1.000 tù nhân thuộc lực lượng an ninh Afghanistan và Chính phủ Afghanistan phóng thích khoảng 5.000 phiến quân.

Trong khi Taliban coi việc trao trả tù nhân là điều kiện tiên quyết để tiến hành đàm phán với Chính phủ Afghanistan thì Tổng thống Ghani lại khước từ thực hiện điều này trước khi các vòng đàm phán bắt đầu.

Ông Ghani nêu rõ việc thả tù nhân Taliban là vấn đề nội bộ của Afghanistan và không thể được Mỹ đưa ra để làm điều kiện đàm phán.

Ông cũng đặt điều kiện tù binh Taliban không được mang tư tưởng cực đoan sau khi được trả tự do, đồng thời yêu cầu thêm một số cơ chế minh bạch cũng phải được thiết lập xung quanh thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban.

Có thể nói các điều kiện đưa ra có thể khó dẫn tới một cuộc gặp thực sự vào ngày 10/3 chứ chưa nói tới một thỏa thuận thực sự.

Bên cạnh đó, một vấn đề đau đầu của ông Ghani là nguy cơ Taliban sẽ tìm cách lật đổ chính phủ sau khi quân đội Mỹ rút đi.

Không chỉ đối mặt với khó khăn từ phe đối lập và Taliban, nguy cơ Afghanistan trở thành một cứ điểm của các lực lượng khủng bố sau khi lực lượng nước ngoài rút đi đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Hầu hết các thủ lĩnh al-Qaeda dù đang lẩn trốn ở Pakistan, song có thể quay trở lại Afghanistan khi một chính phủ bao gồm sự tham gia của Taliban được thành lập.

Sau thất bại ở Iraq và Syria, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện đang đổ các nguồn lực lớn vào Afghanistan và xem quốc gia Tây Nam Á này như một căn cứ mới của chúng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Lavrov từng mô tả Afghanistan như một “bệ phóng” của IS sau khi nhóm này bị đẩy lùi khỏi Syria và Iraq.

Ngoài những thách thức an ninh, nhiệm vụ phát triển nền kinh tế nghèo nàn và giải quyết vấn nạn tham nhũng cũng là một thách thức không hề nhỏ đối với ông Ghani.

Các báo cáo gần đây của Tổ chức Minh bạch quốc tế cho thấy Afghanistan là quốc gia tham nhũng đứng thứ hai thế giới.

Tình trạng gia tăng các cơ sở sản xuất thuốc phiện và các đường dây buôn bán ma túy trái phép ở đất nước này gắn liền với tham nhũng và tội phạm.

Hiện nay, hơn 80% thuốc phiện trên thế giới được sản xuất tại Afghanistan bất chấp việc Mỹ chi khoảng 10 tỷ USD để đối phó với hoạt động sản xuất thuốc phiện tại quốc gia này.

Trong khi đó, một loạt vấn đề xã hội nhức nhối khác cũng đang khiến giới lãnh đạo chính phủ đau đầu như 48% dân số Afghanistan đang ở dưới mức nghèo, 35% giới trẻ thất nghiệp, 91% trẻ em dễ bị lạm dụng và tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn sâu sắc….

Có thể thấy nhiệm kỳ sắp tới của Tổng thống Ghani đầy rẫy những chông gai. Để có thể giải quyết được những khó khăn chồng chất này, giới lãnh đạo cần gạt bỏ những bất đồng để xây dựng một chính phủ đoàn kết dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục