Ngày 20/3, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bất ngờ xuất hiện trước công chúng trong chuyến thăm một trung tâm giáo dục ở thủ đô Damascus.
Đây là lần đầu tiên ông al-Assad xuất hiện trước công chúng sau khi tham dự lễ cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo ngày 24/1 vừa qua.
Kênh truyền hình "Al Arabiya" của Arập Xêút dẫn một thông báo đăng tải trên trang Facebook chính thức của Phủ Tổng thống Syria cho biết: "Tổng thống al-Assad đã bất ngờ đến thăm Trung tâm Giáo dục Mỹ thuật, được Bộ Giáo dục sử dụng làm nơi tôn vinh gia đình những sinh viên bị bọn khủng bố sát hại."
Phủ Tổng thống cũng cho đăng tải một số bức ảnh chụp ông al-Assad đang gặp gỡ thân nhân những người bị thiệt mạng trong các cuộc xung đột.
Trung tâm giáo dục trên nằm tại khu phố Tijara ở phía Đông Damascus, nơi từng nổ ra các cuộc giao tranh trong suốt nhiều tháng giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy. Chuyến thăm của Tổng thống Assad diễn ra một ngày sau khi Chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy cáo buộc lẫn nhau sử dụng vũ khí hóa học tại một thị trấn thuộc thành phố Aleppo khiến ít nhất 31 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Cả hai bên đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar Ja' afari cho biết Syria đã đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thành lập một nhóm chuyên trách hoạt động độc lập và mang tính trung lập, điều tra việc "các nhóm khủng bố" tại Syria sử dụng vũ khí hóa học chống dân thường hôm 19/3. Ông khẳng định Chính phủ Syria đưa ra đề nghị này "một cách thiện chí."
Trong khi đó, Liên minh Dân tộc Syria (phe đối lập) cũng kêu gọi mở một cuộc "điều tra quốc tế đầy đủ" về vụ tấn công nói trên, và khẳng định: "Tất cả các bằng chứng hiện nay cho thấy chế độ al-Assad đang sử dụng các loại vũ khí này chống lại người dân của mình."
Cùng ngày, một số nước cũng lên tiếng kêu gọi Liên hợp quốc tiến hành điều tra. Tuy nhiên, trong khi Anh, Pháp và Mỹ kêu gọi điều tra "tất cả các cáo buộc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công," Nga nhấn mạnh Liên hợp quốc chỉ nên điều tra về những tuyên bố của Chính phủ Syria.
Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Gerard Araud cho biết phần lớn trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã gửi một bức thư lên Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi điều tra "tất cả các cáo buộc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria". Ông nhấn mạnh rằng nếu điều này là có thật thì đây là "một hành vi vi phạm rất nghiêm trọng luật pháp quốc tế". Anh và Mỹ ủng hộ lời kêu gọi điều tra tất cả các cáo buộc.
Trong khi đó, Đại sứ của Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cho rằng quan điểm của phương Tây là nhằm "trì hoãn" việc điều tra các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Aleppo. Ông nhấn mạnh: "Thay vì cứ hô hào theo những lời đồn, tốt hơn Liên hợp quốc nên tập trung cuộc điều tra vào đúng hướng", tức là dựa vào các tuyên bố của Damascus. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov khẳng định không có bằng chứng rõ ràng và thuyết phục cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria.
Tổng thư ký Ban Ki-moon chưa đưa ra dấu hiệu nào về việc quốc tế nên phản ứng thế nào trước các đề nghị tiến hành điều tra. Người phát ngôn của Tổng thư ký, ông Martin Neserky cho biết đã nhận được thư đề nghị của Chính phủ Damascus và đang nghiên cứu. Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng trong cuộc xung đột kéo dài hai năm nay ở Syria.
Cùng ngày 20/3, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich cho biết Berlin sẵn sàng tiếp nhận thêm 5.000 người tị nạn Syria trong những tháng tới vì tình hình đang xấu đi ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Như vậy, tổng số người Syria tị nạn tại Đức sẽ tăng lên 13.000 người.
Ông Friedrich cho biết các gia đình đông con hoặc có con nhỏ đang tị nạn tại các nước láng giềng Syria sẽ được ưu tiên đưa sang Đức. Những người đạo Thiên Chúa cũng được ưu tiên vì tính mạng họ đang bị đe dọa, tiếp theo là những người có người thân đang sống tại Đức.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, cuộc xung đột hiện nay ở Syria đã làm hơn 70.000 người thiệt mạng và buộc hơn một triệu người phải tị nạn tại các nước láng giềng./.
Đây là lần đầu tiên ông al-Assad xuất hiện trước công chúng sau khi tham dự lễ cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo ngày 24/1 vừa qua.
Kênh truyền hình "Al Arabiya" của Arập Xêút dẫn một thông báo đăng tải trên trang Facebook chính thức của Phủ Tổng thống Syria cho biết: "Tổng thống al-Assad đã bất ngờ đến thăm Trung tâm Giáo dục Mỹ thuật, được Bộ Giáo dục sử dụng làm nơi tôn vinh gia đình những sinh viên bị bọn khủng bố sát hại."
Phủ Tổng thống cũng cho đăng tải một số bức ảnh chụp ông al-Assad đang gặp gỡ thân nhân những người bị thiệt mạng trong các cuộc xung đột.
Trung tâm giáo dục trên nằm tại khu phố Tijara ở phía Đông Damascus, nơi từng nổ ra các cuộc giao tranh trong suốt nhiều tháng giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy. Chuyến thăm của Tổng thống Assad diễn ra một ngày sau khi Chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy cáo buộc lẫn nhau sử dụng vũ khí hóa học tại một thị trấn thuộc thành phố Aleppo khiến ít nhất 31 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Cả hai bên đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar Ja' afari cho biết Syria đã đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thành lập một nhóm chuyên trách hoạt động độc lập và mang tính trung lập, điều tra việc "các nhóm khủng bố" tại Syria sử dụng vũ khí hóa học chống dân thường hôm 19/3. Ông khẳng định Chính phủ Syria đưa ra đề nghị này "một cách thiện chí."
Trong khi đó, Liên minh Dân tộc Syria (phe đối lập) cũng kêu gọi mở một cuộc "điều tra quốc tế đầy đủ" về vụ tấn công nói trên, và khẳng định: "Tất cả các bằng chứng hiện nay cho thấy chế độ al-Assad đang sử dụng các loại vũ khí này chống lại người dân của mình."
Cùng ngày, một số nước cũng lên tiếng kêu gọi Liên hợp quốc tiến hành điều tra. Tuy nhiên, trong khi Anh, Pháp và Mỹ kêu gọi điều tra "tất cả các cáo buộc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công," Nga nhấn mạnh Liên hợp quốc chỉ nên điều tra về những tuyên bố của Chính phủ Syria.
Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Gerard Araud cho biết phần lớn trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã gửi một bức thư lên Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi điều tra "tất cả các cáo buộc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria". Ông nhấn mạnh rằng nếu điều này là có thật thì đây là "một hành vi vi phạm rất nghiêm trọng luật pháp quốc tế". Anh và Mỹ ủng hộ lời kêu gọi điều tra tất cả các cáo buộc.
Trong khi đó, Đại sứ của Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cho rằng quan điểm của phương Tây là nhằm "trì hoãn" việc điều tra các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Aleppo. Ông nhấn mạnh: "Thay vì cứ hô hào theo những lời đồn, tốt hơn Liên hợp quốc nên tập trung cuộc điều tra vào đúng hướng", tức là dựa vào các tuyên bố của Damascus. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov khẳng định không có bằng chứng rõ ràng và thuyết phục cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria.
Tổng thư ký Ban Ki-moon chưa đưa ra dấu hiệu nào về việc quốc tế nên phản ứng thế nào trước các đề nghị tiến hành điều tra. Người phát ngôn của Tổng thư ký, ông Martin Neserky cho biết đã nhận được thư đề nghị của Chính phủ Damascus và đang nghiên cứu. Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng trong cuộc xung đột kéo dài hai năm nay ở Syria.
Cùng ngày 20/3, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich cho biết Berlin sẵn sàng tiếp nhận thêm 5.000 người tị nạn Syria trong những tháng tới vì tình hình đang xấu đi ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Như vậy, tổng số người Syria tị nạn tại Đức sẽ tăng lên 13.000 người.
Ông Friedrich cho biết các gia đình đông con hoặc có con nhỏ đang tị nạn tại các nước láng giềng Syria sẽ được ưu tiên đưa sang Đức. Những người đạo Thiên Chúa cũng được ưu tiên vì tính mạng họ đang bị đe dọa, tiếp theo là những người có người thân đang sống tại Đức.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, cuộc xung đột hiện nay ở Syria đã làm hơn 70.000 người thiệt mạng và buộc hơn một triệu người phải tị nạn tại các nước láng giềng./.
(TTXVN)