Ngày 12/3, Văn phòng Tổng thống Sudan cho biết Tổng thống Omar Hassan al-Bashir đã nhận lời mời đến Nam Sudan sau khi đạt được thỏa thuận nối lại các hoạt động dầu mỏ, trong bối cảnh tranh chấp biên giới giữa hai nước đang lắng dịu.
Trong một cuộc điện đàm, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã mời Tổng thống Bashir tới Juba, tuy nhiên thời điểm diễn ra cuộc gặp này chưa được ấn định. Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Bashir trở lại Juba kể từ sau khi tham dự lễ tuyên bố độc lập của Nam Sudan ngày 7/9/2011.
Động thái cải thiện quan hệ ngoại giao trên diễn ra trong bối cảnh Sudan và Nam Sudan có những tiến triển trong việc thực hiện các thỏa thuận về kinh tế và an ninh ký kết hồi tháng 9 năm ngoái.
Hai cuộc gặp cấp cao đầu năm nay đã không giải quyết được những bế tắc, tuy nhiên ngày 12/3, các nhà đàm phán Sudan và Nam Sudan đã đạt được một thời gian biểu nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận kể trên.
Các điều khoản chính gồm có nối lại đường dẫn dầu và phi quân sự hóa vùng biên giới tranh chấp.
Cùng ngày, Sudan và Nam Sudan đều tuyên bố bắt đầu rút quân khỏi biên giới chung. Còn theo thời gian biểu, ngày 24/3 tới là hạn cuối để cả Sudan và Nam Sudan "chỉ đạo các công ty dầu khí nối lại hoạt động sản xuất dầu."
[Sudan đã bắt đầu rút quân khỏi vùng đệm biên giới]
Thỏa thuận về dầu khí này có giá trị hàng tỷ USD đối với hai nền kinh tế đang khủng hoảng của Sudan và Nam Sudan. Song các nhà phân tích cho biết phải mất nhiều tháng để ngân sách hai nước có nguồn thu thiết thực do các vấn đề kỹ thuật.
Cũng theo thời gian biểu đã thỏa thuận, 10 cửa khẩu tại biên giới cũng sẽ được mở lại, mang đến hi vọng trở lại miền Nam cho hàng nghìn người Nam Sudan đang bị kẹt ở miền Bắc trong tình trạng thất nghiệp và nghèo đói.
Theo thống kê gần đây nhất, riêng tại thủ đô Khartoum ở Sudan có đến hơn 100 nghìn người Nam Sudan, còn số người tại các vùng khác chưa được làm rõ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Sudan và Nam Sudan, nhắc lại thiện ý giúp đỡ của Liên hợp quốc đối với hoạt động của cơ cấu kiểm soát biên giới và kêu gọi hai nước thực hiện các thỏa thuận trên.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Nkosazana Dlamini-Zuma nhận định cuộc gặp sắp tới giữa các Tổng thống Sudan và Nam Sudan sẽ là "bước tiếp theo trong việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai nước"./.
Trong một cuộc điện đàm, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã mời Tổng thống Bashir tới Juba, tuy nhiên thời điểm diễn ra cuộc gặp này chưa được ấn định. Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Bashir trở lại Juba kể từ sau khi tham dự lễ tuyên bố độc lập của Nam Sudan ngày 7/9/2011.
Động thái cải thiện quan hệ ngoại giao trên diễn ra trong bối cảnh Sudan và Nam Sudan có những tiến triển trong việc thực hiện các thỏa thuận về kinh tế và an ninh ký kết hồi tháng 9 năm ngoái.
Hai cuộc gặp cấp cao đầu năm nay đã không giải quyết được những bế tắc, tuy nhiên ngày 12/3, các nhà đàm phán Sudan và Nam Sudan đã đạt được một thời gian biểu nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận kể trên.
Các điều khoản chính gồm có nối lại đường dẫn dầu và phi quân sự hóa vùng biên giới tranh chấp.
Cùng ngày, Sudan và Nam Sudan đều tuyên bố bắt đầu rút quân khỏi biên giới chung. Còn theo thời gian biểu, ngày 24/3 tới là hạn cuối để cả Sudan và Nam Sudan "chỉ đạo các công ty dầu khí nối lại hoạt động sản xuất dầu."
[Sudan đã bắt đầu rút quân khỏi vùng đệm biên giới]
Thỏa thuận về dầu khí này có giá trị hàng tỷ USD đối với hai nền kinh tế đang khủng hoảng của Sudan và Nam Sudan. Song các nhà phân tích cho biết phải mất nhiều tháng để ngân sách hai nước có nguồn thu thiết thực do các vấn đề kỹ thuật.
Cũng theo thời gian biểu đã thỏa thuận, 10 cửa khẩu tại biên giới cũng sẽ được mở lại, mang đến hi vọng trở lại miền Nam cho hàng nghìn người Nam Sudan đang bị kẹt ở miền Bắc trong tình trạng thất nghiệp và nghèo đói.
Theo thống kê gần đây nhất, riêng tại thủ đô Khartoum ở Sudan có đến hơn 100 nghìn người Nam Sudan, còn số người tại các vùng khác chưa được làm rõ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Sudan và Nam Sudan, nhắc lại thiện ý giúp đỡ của Liên hợp quốc đối với hoạt động của cơ cấu kiểm soát biên giới và kêu gọi hai nước thực hiện các thỏa thuận trên.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Nkosazana Dlamini-Zuma nhận định cuộc gặp sắp tới giữa các Tổng thống Sudan và Nam Sudan sẽ là "bước tiếp theo trong việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai nước"./.
(TTXVN)