Ngày 27/5, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena tuyên bố sẽ sớm chấm dứt các lệnh khẩn cấp trong vòng một tháng tới vì tình hình an ninh đã gần trở lại bình thường sau loạt vụ đánh bom đẫm máu hồi tháng Tư vừa qua.
Phát biểu với các nhà ngoại giao Australia, Canada, Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu tại Colombo, Tổng thống Sirisena khẳng định giới chức an ninh Sri Lanka đã bắt giữ hoặc tiêu diệt tất cả những đối tượng phải chịu trách nhiệm cho loạt vụ đánh bom hôm 21/4 khiến 258 người thiệt mạng và gần 500 người bị thương.
[Quân đội Sri Lanka truy lùng các nghi phạm tiến hành loạt vụ nổ]
Văn phòng Tổng thống Sri Lanka dẫn lời ông Sirisena cho rằng lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố nhằm ứng phó với tình huống an ninh khẩn cấp.
Tuy nhiên, hiện tại không cần tiếp tục gia hạn lệnh này.
Tổng thống Sirisena cũng nhấn mạnh đã tái sắp xếp lại các lực lượng an ninh nhằm đảm bảo không để tái diễn các vụ tấn công khủng bố làm tổn hại tới nền hòa bình tại quốc gia này.
Cảnh sát cho biết hiện có khoảng hơn 100 người, trong đó có 10 phụ nữ đang bị giam giữ vì liên quan tới các vụ đánh bom vừa qua.
Hơn 100 đối tượng khác cũng đã bị bắt giữ trong một chiến dịch vây bắt kéo dài 4 ngày kể từ ngày 23/5 vừa qua.
Tình trạng khẩn cấp được ban bố tại Sri Lanka chỉ một ngày sau khi xảy ra các vụ đánh bom đẫm máu, giúp tăng cường quyền lực cho lực lượng quân đội bắt giữ và tạm giam các nghi phạm.
Theo quy định của luật pháp Sri Lanka, lệnh này có hiệu lực một tháng và sẽ chấm dứt nếu không được gia hạn.
Ông Sirisena đã gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp một lần vào hôm 22/5.
Với quyết định kể trên thì lệnh này sẽ chấm dứt vào ngày 22/6 tới.
Trong đợt tấn công khủng bố xảy ra hôm 21/4, Sri Lanka hứng chịu 8 vụ nổ nhằm vào các nhà thờ Công giáo và các khách sạn hạng sang khiến hơn 250 người thiệt mạng và 500 người bị thương.
Đây là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất ở Sri Lanka kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này kết thúc cách đây một thập kỷ. Trong số các nạn nhân có nhiều du khách nước ngoài.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận gây ra vụ tấn công, song giới chức Sri Lanka nghi các thành viên của 2 nhóm phiến quân National Thawheedh Jamaath (NTJ) và Jammiyathul Millathu Ibrahim là thủ phạm các vụ tấn công này.
Vụ việc cũng cho thấy những sơ hở nghiêm trọng trong hệ thống an ninh tại quốc gia này./.