Ngày 30/6, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết nước này có thể thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ từ nay đến trước tháng 9/2023.
Tuyên bố này là chỉ dấu cho khả năng xoay chuyển tình thế đối với quốc gia Nam Á vốn đang phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua.
Văn phòng Tổng thống Sri Lanka cho biết ông Wickremesinghe "đã bày tỏ tin tưởng Sri Lanka sẽ vượt qua được tình trạng vỡ nợ từ nay đến trước tháng Chín."
[Sri Lanka cắt giảm mạnh lãi suất lần đầu tiên kể từ khi bị khủng hoảng]
Hôm 29/6, Sri Lanka đã tiến hành chương trình tái cơ cấu nợ trong nước lên tới 42 tỷ USD.
Ngân hàng trung ương nước này đã đề xuất với những người nắm giữ trái phiếu được định giá bằng đồng USD, bao gồm cả trái phiếu quốc tế chính phủ vốn chiếm hơn 25% tổng nợ nước ngoài của Sri Lanka, có thể chọn chấp nhận giảm 30% vốn của họ để đổi lấy việc được hoàn số tiền còn lại trong vòng 6 năm với lãi suất 4%.
Việc hoán đổi trái phiếu và hối phiếu hiện hành cho trái phiếu mới theo đề xuất tái cơ cấu nợ sẽ được bắt đầu thực hiện khi thị trường tài chính Sri Lanka mở cửa trở lại vào ngày 4/7.
Trước đó, chính phủ yêu cầu đóng cửa thị trường tài chính trong vòng 5 ngày, bắt đầu từ ngày 29/6, để tiến hành tái cơ cấu nợ.
Hồi tháng 4/2022, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD. Vì vậy, chương trình tái cơ cấu nợ trong nước nói trên đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu và các chủ nợ song phương chủ chốt như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ./.