Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman đã có hành động đầu tiên sau mấy ngày qua nhằm làm dịu sự lo ngại trong dư luận nước này về nguy cơ tan vỡ chính phủ liên minh non trẻ.
Ngày 6/4, phát biểu trên chương trình phát thanh Hovorech z Lán, Tổng thống Milos Zeman khẳng định, cuộc tranh cãi căng thẳng giữa Thủ tướng Bohuslav Sobotka, Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (CSSD) và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Andrej Babis, Chủ tịch phong trào ANO, “là mâu thuẫn đầu tiên nhưng không phải là cuối cùng” trong liên minh cầm quyền nhưng đó không phải là sự khủng hoảng.
Ông nói: “Trong bất cứ trường hợp nào tôi cũng không bi kịch hóa tình hình. Mỗi một liên minh đều bao gồm nhiều bên với những cương lĩnh khác nhau và đôi khi có mâu thuẫn."
Theo hãng tin CTK, Thủ tướng Bohuslav Sobotka và Bộ trưởng Tài chính Andrej Babis đã có những lời chỉ trích lẫn nhau về vấn đề tư nhân hóa công ty khai khoáng OKD và vấn đề ngân sách.
Trong bài phát biểu của mình Tổng thống Zeman chỉ ra phương án giải quyết mâu thuẫn giữa hai cá nhân đứng đầu hai khối quan trọng nhất trong chính phủ liên minh: “Thứ nhất, tuân theo hiệp ước liên minh và thứ hai, phá vỡ hiệp ước." Tổng thống kỳ vọng vào phương án thứ nhất bởi hiệp ước liên minh được coi như lời hứa của các bên đối với cử tri.
Tổng thống Milos Zeman cũng cho biết, ông có kế hoạch gặp gỡ Thủ tướng Bohuslav Sobotka vào ngày 30/4 để tháo gỡ tình hình.
Trước đó, ngày 3/4, Bộ trưởng Tài chính Andrej Babis đã lên tiếng buộc Thủ tướng Bohuslav Sobotka phải chịu trách nhiệm về việc bán cổ phần của nhà nước trong công ty khai khoáng OKD với giá thấp hơn thị trường vào năm 2004, khi ông này còn là Bộ trưởng Tài chính. Các đảng phái đối lập là phong trào TOP 09 và Đảng Dân chủ Công dân (ODS) cũng cho rằng ông Sobotka đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách quốc gia.
Ngày hôm sau, Thủ tướng Sobotka đã có hành động đáp trả bằng cách chỉ trích Bộ trưởng Tài chính Babis cố tình trì hoãn việc chuẩn bị các văn bản pháp lý có khả năng cải thiện khả năng thu thuế của quốc gia. Ông cũng cáo buộc ông Babis sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng của riêng mình làm công cụ gây sức ép đối với thủ tướng.
Chính phủ liên minh Séc ở thế “kiềng ba chân” gồm CSSD, ANO và Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo-Đảng Nhân dân Séc (KDU-CSL).
Các nhà phân tích chính trị ở Séc đánh giá rằng nếu mâu thuẫn giữa CSSD và ANO tiếp tục kéo dài thì chính phủ liên minh Séc có thể sẽ tan rã./.