Tổng thống Séc bổ nhiệm nội các mới nhằm chấm dứt bất ổn

Tổng thống Cộng hòa Séc đã bổ nhiệm thành viên nội các lưỡng đảng mới do Thủ tướng Andrej Babis lãnh đạo nhằm chấm dứt 8 tháng bất ổn chính trị sau cuộc bầu cử hồi tháng 10/2017.
Tổng thống Séc bổ nhiệm nội các mới nhằm chấm dứt bất ổn ảnh 1Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 27/6, Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman đã bổ nhiệm các thành viên nội các lưỡng đảng mới do Thủ tướng Andrej Babis lãnh đạo nhằm chấm dứt 8 tháng bất ổn chính trị sau cuộc bầu cử hồi tháng 10/2017.

Phong trào ANO của ông Babis giành được được gần 30% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Hạ viện hồi tháng 10/2017 nhưng chính phủ thiểu số của phong trào này không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hồi tháng Một vừa qua.

Để khơi thông thế bế tắc, Thủ tướng Babis, lãnh đạo đảng theo đường lối ôn hòa ANO, đã đàm phán về việc thành lập một liên minh với đảng Dân chủ Xã hội Séc (CSSD) theo đường lối trung tả.

Hôm 22/6, một lộ trình hướng tới việc thành lập nội các đã mở ra sau khi hai bên đạt thỏa hiệp về nhân sự.

Tuy nhiên, với việc liên minh ANO-CSSD chỉ nắm trong tay 93 ghế trong tổng số 200 ghế tại Hạ viện, Thủ tướng Babis cần nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ Đảng Cộng sản Séc và Morava (KSCM) để có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, dự kiến diễn ra vào ngày 11/7 tới.

Giới quan sát nhận định việc thành lập chính phủ mới tại Cộng hòa Séc đang gặp thách thức do những tranh cãi liên quan việc đảng CSSD đề cử ông Miroslav Poche làm ngoại trưởng.

Theo đó, Chủ tịch KSCM Vojtech Filip khẳng định đảng này chỉ tiếp tục ủng hộ chính phủ liên minh ANO-CSSD nếu ông Poche không giữ chức ngoại trưởng.

Nếu KSCM quyết tâm đòi loại bỏ ứng cử viên Poche trong khi CSSD coi đây là điều kiện tiên quyết thì chính phủ liên minh đứng trước thách thức không nhỏ.

Ngoài ra, KSCM cũng bất bình trước việc Thủ tướng Babis từ chối cân nhắc các yêu cầu của đảng này về việc cắt giảm khoản đóng góp cho các phái bộ quân sự ở nước ngoài của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt tại vùng Baltic.

Dự kiến, KSCM sẽ tổ chức một cuộc họp ban lãnh đạo vào ngày 30/6 tới để đưa ra lập trường cuối cùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục