Tổng thống Rouhani: "Iran không thể phát triển trong sự cô lập" 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định nước này khó có thể đạt được những thành tựu và sự bùng nổ về kinh tế trong tình trạng cô lập với các quốc gia trên thế giới.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: www.telegraph.co.uk)

Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định nước này khó có thể đạt được những thành tựu và sự bùng nổ về kinh tế trong tình trạng cô lập với các quốc gia trên thế giới.

Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở thủ đô Tehran ngày 4/1, Tổng thống Iran Rouhani nhận định sự phát triển đa phương và bền vững là cần thiết đối với nền kinh tế Iran.

Ông cho rằng Tehran không thể duy trì sự tăng trưởng bền vững nếu như chỉ dựa vào thực lực kinh tế trong nước trong bối cảnh bị cô lập. Theo ông, đã đến lúc thay đổi quan điểm rằng sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài tại Iran là mối đe dọa đối với quốc gia Hồi giáo này cũng như với nền độc lập của Iran.

Tuy nhiên, vị Tổng thống theo đường lối ôn hòa này cũng khẳng định Tehran sẽ vẫn giữ vững những nguyên tắc và tư tưởng của nước này và nhấn mạnh sự tương tác cũng như các mối quan hệ với các nước trên thế giới sẽ chỉ phục vụ cho những lợi ích quốc gia.

Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Rouhani tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ Iran giảm thiểu sự lệ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu dầu mỏ, cho rằng điều này sẽ thúc đẩy vòng đàm phán hạt nhân hiện nay giữa Iran và nhóm P5+1.

Các nước phương Tây đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào ngành tài chính và năng lượng của Iran liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Do vậy, trong những năm qua, quốc gia Hồi giáo này phải đối mặt mức lạm phát cao trong khi xuất khẩu lại giảm, tỷ lệ thất nghiệp lên tới hai con số và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp.

Cuối tháng 11/2013, Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận tạm thời, theo đó Tehran sẽ ngừng làm giàu urani cấp độ trên 5% và làm loãng 196 kg urani cấp độ 20% đang có để đổi lấy việc được các cường quốc nới lỏng lệnh trừng phạt.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận toàn diện với thời hạn chót đặt ra vào ngày 20/7/2014 nhưng đến nay đã phải hai lần gia hạn vì còn nhiều bất đồng liên quan đến những nội dung cốt lõi, nhất là về chương trình làm giàu urani, lò phản ứng nước nặng Arak và tiến độ nới lỏng trừng phạt của phương Tây.

Thời hạn mới nhất được các bên nhất trí đặt ra là vào ngày 31/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục