Ngày 23/2, Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã ký sắc lệnh bổ nhiệm 4 bộ trưởng, trong đó ông Tudorel Toader giữ chức Bộ trưởng Tư pháp, thay thế người tiền nhiệm đã từ chức hồi đầu tháng này.
Ba bộ trưởng khác là Bộ trưởng Kinh tế Mihai Tudose, Bộ trưởng Thương mại Alehandru Petrescu và Bộ trưởng phụ trách các quỹ châu Âu Rovana Plumb.
Đây là cuộc cải tổ nội các đầu tiên kể từ khi chính phủ mới được thành lập hồi đầu tháng 1 vừa qua.
Các bộ trưởng mới được bổ nhiệm đều do đảng Dân chủ-Xã hội cầm quyền đề xuất cũng sẽ tuyên thệ nhậm chức tại phủ tổng thống ngay trong ngày hôm nay (23/2).
Ông Toader, 56 tuổi, đã giữ chức Thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Romania trong vòng 10 năm. Ông là thành viên đầu tiên trong nội các Romania không theo đảng phái nào.
Trước đó, hôm 9/2, ông Florin Iordache đã từ chức Bộ trưởng Tư pháp Romania chỉ hơn một tháng sau khi nhậm chức. Ông Iordache từ chức trước sức ép liên quan đến một sắc lệnh của chính phủ, vốn bị hủy bỏ sau khi xảy ra các cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn trên khắp cả nước và sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Chính phủ Romania đã phải hủy bỏ sắc lệnh đề xuất trước đó liên quan đến việc miễn truy tố và và trả tự do cho một loạt chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước sau khi xảy ra làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân.
Cả 2 viện Quốc hội Romania cũng đã thông qua quyết định hủy bỏ sắc lệnh gây tranh cãi này, đồng thời thông qua kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về cải cách chống tham nhũng.
Các cuộc biểu tình rầm rộ liên tục tại các thành phố, thị trấn trên khắp lãnh thổ Romania đã đánh dấu "làn sóng giận dữ" bùng phát mạnh mẽ nhất của người dân nước này kể từ năm 1989 đến nay.
Thái độ phẫn nộ trên xuất phát từ việc Chính phủ Romania đêm 31/1 đã thông qua một sắc lệnh khẩn, cho phép miễn truy tố và trả tự do cho một số quan chức lạm dụng chức quyền gây thất thoát tài sản nhà nước.
Động thái trên thậm chí còn khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nó sẽ đặt ra một rào cản lớn cho cuộc chiến chống tham nhũng tại Romania, vốn là một vấn nạn nhức nhối tại quốc gia nghèo thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) này./.