Tổng thống Putin khẳng định các lệnh trừng phạt Nga sẽ dần được dỡ bỏ

Theo ông Putin, các lệnh trừng phạt gây tổn hại nền kinh tế toàn cầu và ngày càng nhiều quốc gia hiểu điều này, nên theo thời gian các biện pháp trừng phạt sẽ bị xóa bỏ khi quan hệ Nga-Mỹ cải thiện.
Tổng thống Putin khẳng định các lệnh trừng phạt Nga sẽ dần được dỡ bỏ ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các lệnh trừng phạt gây tổn hại nền kinh tế toàn cầu và ngày càng nhiều quốc gia hiểu điều này, vì vậy theo thời gian các biện pháp trừng phạt sẽ bị xóa bỏ khi quan hệ giữa Nga và Mỹ được cải thiện.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra tuyên bố trên ngày 6/6 khi trả lời phỏng vấn Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc trước thềm chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tuần này.

Tổng thống Putin nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt và hạn chế không làm cho Nga ngạc nhiên hay lo sợ, và cũng sẽ không bao giờ khiến Nga từ bỏ con đường phát triển độc lập và tự chủ.

Theo ông, các đối tác của Nga sử dụng các biện pháp hạn chế và trừng phạt nhằm tìm cách kiềm chế sự phát triển của Nga. Ông khẳng định chính sách này là "có hại, trước tiên là đối với chính các bên khởi xướng."

Tổng thống Nga khẳng định tất cả những biện pháp trừng phạt trái phép đang gây tổn hại cho sự phát triển kinh tế toàn cầu sẽ được dỡ bỏ theo thời gian, trong khi Nga có thể cải thiện quan hệ với tất cả các đối tác, bao gồm Mỹ và các quốc gia khác đã áp đặt trừng phạt Nga.

Theo ông Putin, các nước theo Mỹ trừng phạt Nga đang bắt đầu gánh chịu những động thái của Mỹ áp đặt các hạn chế đối với chính những nước này. Ông nhận định "bằng cách này hay cách khác, quan hệ giữa Nga và các nước sẽ dần trở lại bình thường."

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cùng ngày khẳng định chỉ khi nào tiến trình hòa bình ở Ukraine đạt được tiến triển, Liên minh châu Âu (EU) mới dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga vì EU cho rằng Moskva đóng vai trò trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trước đó một ngày, trong bài phát biểu đầu tiên tại Thượng viện Italy, tân Thủ tướng Italy Giuseppe Conte bày tỏ mong muốn khôi phục mối quan hệ truyền thống mật thiết giữa Rome và Moskva, đồng thời thúc đẩy việc xem xét lại các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga.

EU cùng Mỹ và nhiều nước phương Tây áp đặt trừng phạt Nga liên quan cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực đặc thù của Nga như năng lượng, quốc phòng và tài chính.

Phía Nga cũng đáp trả bằng việc áp đặt cấm vận đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến của châu Âu. Các biện pháp trừng phạt lẫn nhau này gây thiệt hại kinh tế cho cả Nga và các nước EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục