Trong khuôn khổ chuyến thăm Hy Lạp trong hai ngày 7-8/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ công bố tầm nhìn của ông về tương lai Liên minh châu Âu (EU) và thảo luận cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp.
Phát biểu tại Athens, ông Macron tuyên bố ủng hộ ý tưởng của Đức về thành lập Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF), song nhấn mạnh rằng mục đích cuối cùng phải là tạo một ngân sách riêng của khu vực đồng euro (Eurozone).
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức đã đề xuất biến đổi Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM, tức là quỹ giải cứu Eurozone) thành một dạng EMF với nhiều quyền lực hơn để hỗ trợ các nước thành viên dễ bị tổn thương.
Tổng thống Pháp cũng mong muốn tăng cường hợp tác châu Âu bằng việc thành lập một Bộ trưởng Tài chính Eurozone và Nghị viện Eurozone, cũng như một ngân sách riêng độc lập cho khu vực này để giảm nhẹ các "cú sốc" kinh tế và đương đầu tốt hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Bên cạnh đó, ông Macron hoan nghênh các cuộc cải cách "thắt lưng buộc bụng" tại Hy Lạp và tái khẳng định lời kêu gọi nới lỏng gánh nặng nợ nần cho nước này.
[Chủ tịch Eurogroup đề xuất ý tưởng về quỹ tiền tệ của riêng châu Âu]
Về phần mình, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos cho biết Hy Lạp ủng hộ các đề xuất của Pháp về một Eurozone gắn kết hơn. Theo ông Pavlopoulos, ESM cần được cải cách và thay thế vị trí của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại châu Âu. Ông cho biết EU tôn trọng IMF, song EU cần quản lý tốt hơn với một tổ chức được thành lập trên tinh thần châu Âu và hiểu rõ về các đặc trưng của Eurozone.
Tháng Sáu vừa qua, các chính phủ Eurozone đã phê chuẩn một gói tín dụng mới cho Hy Lạp trị giá gần 10 tỷ USD sau khi IMF cho biết về nguyên tắc họ sẽ tham gia gói cứu trợ này sau hai năm cân nhắc.
Tổng thống Pháp đã đóng vai trò như một "cầu nối" giải quyết các bất đồng giữa IMF và một số nước thành viên Eurozone, trong đó có Đức. Hy Lạp coi Pháp là một đồng minh quan trọng và là đối trọng với Đức, nước vốn rất khắt khe về tài chính, trong nỗ lực nới lỏng các đòi hỏi nghiêm ngặt của quốc tế để được cứu trợ.
Hy Lạp đã phải dựa vào các khoản vay cứu trợ quốc tế từ năm 2010, ngược lại phải đặt nền kinh tế nước nhà dưới sự giám sát chặt chẽ của các chủ nợ. Các chính phủ kế tiếp đều phải thực hiện các cuộc cải cách cơ cấu và tài chính triệt để, trong đó có việc cắt giảm lương hưu và liên tục tăng thuế để đủ điều kiện được vay nợ tiếp.
Người phát ngôn chính phủ Dimitris Tzanakopoulos hoan nghênh chuyến thăm của Tổng thống Macron, coi đây là dấu hiệu cho thấy Hy Lạp cuối cùng đã được "sang trang" và thoát khỏi khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.
Người phát ngôn này nhấn mạnh việc Tổng thống Macron chọn thảo luận về tương lai EU sẽ làm chủ đề chính trong các cuộc đàm phán tại Athens cho thấy "Hy Lạp đã kết thúc một chặng đường khó khăn".
Các cuộc hội đàm của ông Macron trong khuôn khổ chuyến thăm này cũng sẽ tập trung vào đầu tư của Pháp tại Hy Lạp và triển vọng của các cuộc cải cách tại Hy Lạp cũng như phần còn lại của gói cứu trợ tài chính sẽ kết thúc vào giữa năm 2018.
Tháp tùng Tổng thống Pháp trong chuyến đi này là một phái đoàn lớn gồm nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. An ninh đã được thắt chặt nhằm bảo vệ chuyến thăm. Chính quyền Hy Lạp cấm biểu tình ở phần lớn trung tâm thủ đô Athens và triển khai hơn 2.000 cảnh sát trên các ngả đường của thủ đô./.