Ngày 21/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Pháp không còn xem việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad rời khỏi cương vị là điều kiện tiên quyết để giải quyết cuộc xung đột kéo dài sáu năm qua ở quốc gia Trung Đông này, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên của Pháp đối với cuộc xung đột này là chống các nhóm khủng bố và bảo đảm sự ổn định của Syria.
Ông Macron đưa ra tuyên bố trên trong cuộc trả lời phỏng vấn tám tờ báo châu Âu.
Tổng thống Pháp bày tỏ "góc nhìn mới" của ông đối với tình hình tại Syria, theo đó không coi việc ông Bashar al-Assad rời khỏi cương vị Tổng thống là một điều kiện tiên quyết vì trong tình hình hiện tại không có nhân vật nào có thể trở thành người kế nhiệm chính đáng.
Tổng thống Pháp kêu gọi sự hợp tác của tất cả các bên, đặc biệt là Nga, trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho tình hình Syria. Ông Macron cho rằng Pháp và Nga chia sẻ các mục tiêu ưu tiên tại Syria và tin tưởng vào khả năng hợp tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp cũng nêu rõ Paris sẽ tiếp tục theo đuổi việc điều tra các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria và sát cánh với Mỹ trong vấn đề này.
Phát biểu của tân Tổng thống Pháp trái ngược với quan điểm của chính quyền tiền nhiệm và tương đồng với lập trường của Moskva cho rằng hiện không có nhân vật nào có thể thay thế Tổng thống Assad tại Syria.
Trước đó, ngày 20/6, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã tới Nga để thúc đẩy hợp tác với Moskva.
Trong khi đó, Australia ngày 21/6 thông báo nối lại các sứ mệnh quân sự trên không tại Syria, sau hai ngày tạm ngừng liên quan tới vụ liên quân do Mỹ đứng đầu bắn hạ một máy bay chiến đấu của quân đội Syria làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga tại quốc gia này. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Australia cho biết việc tạm dừng trên là một "biện pháp đề phòng để liên minh đánh giá rủi ro của hoạt động."
Australia là một thành viên trong liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và vào cuối năm 2015 đã mở rộng các hoạt động trên không tại Syria, với tổng cộng 780 quân nhân tại khu vực Trung Đông.
Hôm 20/6, Australia thông báo ngừng triển khai các sứ mệnh tại không phận Syria trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga, khi Moskva cảnh báo sẽ theo dõi sát các máy bay của liên quân quốc tế hoạt động ở khu vực phía Tây sông Euphrates coi đây là những "mục tiêu tiềm tàng" và đình chỉ đường dây nóng quân sự với Washington do vụ bắn hạ máy bay nói trên.
Bộ Quốc phòng Nga chỉ trích việc Mỹ tấn công máy bay của Lực lượng Không quân Syria là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền quốc gia Trung Đông này, và là hành động "xâm lược quân sự" chống Syria - quốc gia thành viên của Liên hợp quốc.
Giới chức quân sự Mỹ sau đó đã nỗ lực nối lại đường dây nóng quân sự với Nga, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các lực lượng của cả hai bên đang hoạt động tại Syria.
[NATO: Nga-Mỹ nên nối lại hợp tác về tránh đụng độ trên không tại Syria]
Ngày 21/6, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cùng các nguồn tin từ lực lượng nổi dậy và lực lượng người Kurd cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã điều thêm quân tới miền Bắc Syria, bao gồm binh lính, phương tiện và thiết bị.
Theo SOHR, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua biên giới trong 24 giờ qua và hướng tới khu vực phía Nam thị trấn Azaz. Một tay súng của nhóm Liwa al-Mutasem được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ xác nhận thông tin trên.
SOHR cho rằng đợt tăng viện này nhằm chuẩn bị cho các đợt tấn công mới vào Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại khu vực Tây Bắc của Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) coi là một tổ chức khủng bố. Trong khi đó, Mỹ lại quyết định hỗ trợ vũ trang cho YPG trong cuộc chiến chống IS tại Syria./.