Tổng thống Pháp kêu gọi chấm dứt sự chia rẽ quốc tế về Libya

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt sự chia rẽ đối với vấn đề Libya nếu muốn đưa ra quốc gia này thoát khỏi khủng hoảng.
Tổng thống Pháp kêu gọi chấm dứt sự chia rẽ quốc tế về Libya ảnh 1Hiện trường vụ tấn công tại trạm kiểm soát ở thành phố Zliten, Libya ngày 23/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 25/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt sự chia rẽ đối với vấn đề Libya nếu muốn đưa ra quốc gia này thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Đây là một thông điệp mà Tổng thống Pháp muốn "ám chỉ" đối với Italy.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Macron nói rằng chúng ta sẽ không cho người Libya một phương tiện để thoát ra khỏi khủng hoảng nếu chúng ta tiếp tục chia rẽ, và Libya sẽ luôn là một đất nước của sự xung đột do ảnh hưởng của nước ngoài.

Italy, một quốc gia có quan hệ lịch sử với Libya, đã đổ lỗi cho nước Pháp muốn một mình giải quyết vấn đề Libya bằng cách thúc đẩy việc tổ chức bầu cử vào tháng 12 tới.

Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini, người đứng đầu phe cực đoan và người đàn ông quyền lực trong chính phủ Rome, cáo buộc Pháp "gây nguy hiểm cho tất cả các quốc gia Bắc Phi và gây ra hậu quả cho châu Âu", và có "động cơ kinh tế quốc gia" ở Libya.


[Libya: Tấn công tên lửa vào sân bay Tripoli gây nhiều thương vong]

Ông Macron nói rằng người Libya đã cam kết nhanh chóng tổ chức các cuộc bầu cử nhằm thống nhất các tổ chức, tái thống nhất đất nước.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng những cam kết này phải được tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc với sự hợp tác chặt chẽ của Liên minh châu Phi. Ông nói thêm rằng, tình trạng hiện nay chỉ giúp cho các lực lượng dân quân và những kẻ buôn người làm mất ổn định toàn bộ khu vực.

Trước đó, hôm 24/9, Pháp đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực tối đa, cùng với việc đưa ra các biện pháp trừng phạt, đối với những kẻ gieo rắc bạo lực ở Libya, đặc biệt là các lực lượng dân quân ở Tripoli.

Các cuộc xung đột đang hoành hành ở phía Nam thủ đô Tripoli gần một tháng qua đã tạm dừng từ ngày 25/9, mở đường cho sự đi lại bình thường của người dân và mở lại sân bay duy nhất đang hoạt động ở thủ đô Libya này.

Libya đã rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011.

Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.

Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.

GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục