Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đến Cộng hòa Trung Phi ngày 10/12, sau khi quân đội Pháp bắt đầu tiến trình giải giáp vũ khí nhằm khôi phục an ninh tại nước này và hai binh sỹ Pháp đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với các tay súng.
Phát biểu khi tới thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi, Tổng thống Hollande khẳng định cuộc can thiệp quân sự của Pháp vào Cộng hòa Trung Phi là cần thiết để tránh một cuộc thảm sát và mang lại hòa bình cho nước này.
Ông nhấn mạnh lực lượng Pháp hiện diện tại Cộng hòa Trung Phi không phải vì lợi ích của nước Pháp mà vì mục đích nhân đạo.
Theo hãng tin Pháp AFP, Tổng thống Hollande tới Cộng hòa Trung Phi để vinh danh 2 binh sỹ thuộc Trung đoàn dù số 8 của Pháp thiệt mạng trong một cuộc đọ súng ác liệt với các tay súng tối 9/12 tại Bangui. Đây là thương vong đầu tiên đối với quân đội Pháp kể từ khi Paris cho can thiệp quân sự tại Cộng hòa Trung Phi, nơi xung đột phe phái đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người trong vài tuần qua.
Quân đội Pháp đã triển khai 1.600 quân, bên cạnh 2.500 quân của Liên minh châu Phi (AU), nhằm lập lại an ninh tại Cộng hòa Trung Phi.
Cũng trong ngày 10/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố giải ngân khoản viện trợ quân sự trị giá 60 triệu USD cho Cộng hòa Trung Phi.
Nhà Trắng cho biết khoản viện trợ sẽ được cấp cho Pháp, AU và các nước đóng góp lực lượng cho liên minh quốc tế tại Cộng hòa Trung Phi. Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Obama hối thúc chính phủ chuyển tiếp ở Cộng hòa Trung Phi nỗ lực khôi phục hòa bình và bắt giữ các đối tượng đứng đằng sau tình trạng leo thang bạo lực tại nước này.
Washington cũng cam kết sẽ hỗ trợ tuyến cầu hàng không chuyển binh sỹ và quân trang của AU tới Cộng hòa Trung Phi, coi đây là một phần trong nỗ lực giúp chiến dịch do Pháp đứng đầu nhằm khôi phục an ninh tại quốc gia đang trong vòng xoáy bạo lực này.
Cộng hòa Trung Phi rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Francois Bozize bị lực lượng nổi dậy Seleka lật đổ hồi tháng Ba vừa qua. Khoảng 1/10 dân số Trung Phi đã phải trốn chạy khỏi đất nước do các vụ bạo lực phe phái. Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo về nạn diệt chủng cũng như các tội ác chiến tranh tại quốc gia hơn 4,6 triệu dân này./.