Tổng thống Pháp: EU phải là một phần trong thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Nga

Phát biểu với báo giới sau các cuộc hội đàm với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Điện Elysee ở thủ đô Paris, Tổng thống Macron nêu rõ: Chúng ta không thể tự hài lòng với các hiệp ước song phương
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 28/11 cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần tham gia mọi cuộc đàm phán thảo luận về một hiệp ước mới nhằm hạn chế số lượng các tên lửa hạt nhân tầm trung mà Mỹ và Nga sở hữu, sau khi một hiệp ước ký kết từ thời Chiến tranh Lạnh đã sụp đổ trong năm nay.

Phát biểu với báo giới sau các cuộc hội đàm với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tại Điện Elysee ở thủ đô Paris, Tổng thống Macron nêu rõ: "Chúng ta không thể tự hài lòng với các hiệp ước song phương."

Hồi tháng Tám vừa qua, Mỹ và Nga đã cùng rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), sau khi cáo buộc lẫn nhau vi phạm các điều khoản của thỏa thuận này và gây nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

[Nga chỉ trích Mỹ về việc không tuân thủ các hiệp ước kiểm soát vũ khí]

Tổng thống Pháp cho biết ông sẽ nêu đề xuất trên trong một cuộc họp của NATO diễn ra tại London vào tuần tới, đồng thời không giấu giếm ý định tranh luận cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Macron nêu rõ: "Chúng tôi muốn có một cuộc đối thoại rõ ràng, cương quyết và đặt ra các yêu cầu đối với phía Nga. Một thỏa thuận thay thế INF... sẽ phải có sự tham gia của các nước châu Âu. Đó là một vấn đề về an ninh của châu Âu."

INF được Mỹ và Liên Xô trước đây ký năm 1987 và chính thức có hiệu lực năm 1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình bố trí trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km).

Tuy nhiên, những năm gần đây Moskva và Washington nhiều lần chỉ trích nhau vi phạm thỏa thuận. Ngày 2/8 vừa qua, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF, dẫn tới Nga cũng đình chỉ hiệp ước.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga-Mỹ đối thoại để tránh cuộc chạy đua vũ trang mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục