Chính phủ Pháp đang bị chỉ trích về việc chậm trễ trong kế hoạch triển khai tiêm vắcxin ngừa COVID-19.
Tổng thống Emmanuel Macron đã tỏ ra tức giận vì tiến độ tiêm vắcxin diễn ra quá chậm khi đến nay mới chỉ có vài trăm người được tiêm vắcxin ngừa COVID-19, ít hơn nhiều so với con số 200.000 người ở Đức và khoảng 1 triệu người ở Anh.
Theo tờ Journal du Dimanche ra ngày 4/1, ông Macron đã chỉ trích về tốc độ triển khai, cho rằng tiến độ tiêm chủng diễn ra "như một cuộc dạo chơi," không phù hợp với thời điểm số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng mạnh.
Với kinh nghiệm của một người từng mắc COVID-19, ông Macron nói: "Tôi đã phải chiến đấu với dịch bệnh cả sáng, trưa, chiều, tối. Tôi mong đợi một cam kết từ chính phủ, nhưng điều đó chưa xảy ra và nó phải được thay đổi ngay lập tức và chắc chắn."
Phó Tổng thống Jordan Bardella, cho biết: "Trong vòng một tuần, chúng ta mới chỉ tiêm vắcxin cho hơn 500 người. Thật đáng xấu hổ khi con số này chỉ tương đương với số người Đức tiêm trong vòng 30 phút."
[Pháp ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể virus mới phát hiện ở Nam Phi]
Theo Bộ Y tế Pháp, tính đến ngày 1/1/2021, mới chỉ có 516 người nhận được vắcxin ngừa COVID-19.
Cho đến nay, Liên minh châu Âu (EU) mới chỉ thông qua vắcxin Pfizer-BioNTech do Mỹ và Đức hợp tác bào chế, trong khi vắcxin do tập đoàn Sanofi của Pháp và GSK của Anh bào chế dự đoán phải cuối năm mới sẵn sàng để sử dụng.
Ủy ban châu Âu ngày 4/1 đã lên tiếng bảo vệ chiến lược tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trong bối cảnh ngày càng vấp phải nhiều sự chỉ trích từ các quốc gia thành viên liên quan đến việc chậm triển khai mũi tiêm chủng đối với khu vực có dân số 450 triệu người này.
Các chương trình tiêm chủng ở 27 quốc gia có khởi đầu chậm chạp và một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng đổ lỗi cho cơ quan điều hành của EU vì nhận thấy đã không được cung cấp đủ liều lượng vắcxin.
Trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Eric Mamer cho biết vấn đề chính của việc triển khai các chương trình tiêm chủng "là năng lực sản xuất, một vấn đề mà mọi người đang phải đối mặt... Chúng tôi thực sự đã ký các hợp đồng cho phép các quốc gia thành viên tiếp cận với 2 tỷ liều, hầu như đủ để tiêm chủng cho toàn bộ dân số EU"./.