Ngày 22/7, Tổng thống Peru Ollanta Humala đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Rene Cornejo và cho biết ông sẽ sớm công bố những thay đổi nhân sự trong nội các của mình.
Thủ tướng Cornejo từ chức sau những tiết lộ rằng một cố vấn của quan chức này đã chi tiền để tìm cách làm mất uy tín của một đối thủ chính trị. Theo người phát ngôn của nội các Peru, Bộ trưởng Lao động Ana Jara dự kiến sẽ được bổ nhiệm thay thế cho ông Cornejo.
Thành viên nội các thay đổi là điều xảy ra khá thường xuyên ở Peru. Ông Cornejo là vị thủ tướng thứ 5 được Tổng thống Humala bổ nhiệm trong vòng chưa đầy 3 năm qua sau khi nắm quyền điều hành đất nước. Trước đó, trong một quyết định cải tổ nội các đầy bất ngờ, ngày 23/6, Tổng thống Humala đã bổ nhiệm ba bộ trưởng mới.
Giới quan sát cho rằng việc cải tổ nội các của vị lãnh đạo cánh hữu này xuất phát từ sự thất bại trong việc hoàn thành các mục tiêu đã đưa ra lúc tranh cử. Mức tín nhiệm người dân Peru dành cho Tổng thống Humala hiện đã giảm xuống còn 21% - mức thấp kỷ lục kể từ khi ông nắm quyền, do người dân tỏ ra thất vọng về vấn đề an ninh trật tự xã hội và nạn tham nhũng.
Tổng thống Humala hiện đang phải đương đầu với nhiều khó khăn trong nửa cuối nhiệm kỳ trong nỗ lực thúc đẩy các cải cách xã hội và giữ mức tăng trưởng của nền kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Peru năm ngoái tăng 5%, đánh dấu sự tăng trưởng liên tiếp trong 15 năm, song đây là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua, do tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu khoáng sản đều giảm.
Việc Trung Quốc giảm nhập khẩu đồng, kim loại mà Peru là nước sản xuất lớn thứ 3 thế giới, khiến năm ngoái cán cân thương mại của Lima bị thâm hụt 365 triệu USD. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2002, quốc gia Nam Mỹ này bị nhập siêu./.