Trong một bước đi nhằm khuyến khích các nước thành viên khác, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 13/11 hối thúc Quốc hội nước này vào đầu năm 2016 phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) mà Mỹ đã ký với 12 đối tác châu Á-Thái Bình Dương khác cách đây hơn một tháng tại thành phố Atlanta, bang Georgia.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu với giới báo chí ngày 14/11, Tổng thống Barack Obama khẳng định TPP không chỉ có tầm quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế mà cả đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Ông Obama bày tỏ tin tưởng với thiện chí hợp tác của hai đảng, lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ thông qua được thỏa thuận TPP.
Lời hối thúc của Tổng thống Obama được đưa ra sau cuộc gặp của ông tại Nhà Trắng với một nhóm các cựu chính khách có ảnh hưởng của hai đảng gồm các cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, Madeline Albright, James Baker.
Các cựu Bộ trưởng Quốc phòng Colin Powell, Bill Cohen; cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, Đô đốc Mike Mullen, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Brent Scowcroft cũng tham dự cuộc gặp.
Mục đích của cuộc gặp là nhờ các cựu chính khách này cùng lên tiếng thúc đẩy việc thông qua TPP. Tuần trước, chính quyền Obama đã công bố toàn văn Hiệp định TPP và Quốc hội Mỹ có 90 ngày để xem xét và phê chuẩn thỏa thuận được nhìn nhận là mang tính lịch sử này.
Phát biểu của Tổng thống Obama được đưa ra vài ngày trước khi ông bắt đầu chuyến công du châu Á kéo dài chín ngày, trong đó có việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Philippines, diễn ra trong hai ngày 18-19/11.
Tại diễn đàn này, Tổng thống Obama có kế hoạch sẽ gặp gỡ một số nguyên thủ các nước thành viên TPP như các tân Thủ tướng Canada và Australia là Justin Trudeau và Malcolm Turnbull.
Ngoài TPP, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice ngày 12/11 cho biết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ là một chủ đề nổi bật trong chuyến công du tới Philippines và Malaysia của Tổng thống Obama trong tuần tới.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ngày 12/11 đã công bố văn bản Hiêp định TPP gồm 30 chương, dài hơn 2.000 trang. Văn bản này được công bố là để Quốc hội xem xét và phê chuẩn trong vòng 90 ngày trước khi Tổng thống Barack Obama có thể ký đưa vào thực hiện.
Cho tới nay đã xuất hiện một số thông tin cho thấy quá trình phê chuẩn TPP tại cơ quan lập pháp Mỹ sẽ gặp không ít trở ngại./.