Ngày 24/9, trong phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra ở New York (Mỹ), Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan tuyên bố nước này đã xóa bỏ hoàn toàn dịch Ebola.
Trước đó, các bác sỹ khuyến cáo phải đợi thêm thời gian để có thể xác nhận dịch bệnh trên đã chấm dứt, song Bộ Y tế Liên bang Nigeria khẳng định tất cả các bệnh nhân đang được theo dõi đều đã khỏi bệnh.
Người đứng đầu Trung tâm Chiến dịch Khẩn cấp chống Ebola tại thủ đô Lagos cho biết dịch bệnh tại Nigeria chỉ có thể chính thức được xác nhận chấm dứt nếu không có thêm ca nhiễm bệnh sau 42 ngày hoặc 2 kỳ ủ bệnh liên tiếp kể từ trường hợp nhiễm bệnh cuối cùng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nigeria hiện vẫn chưa có thêm trường hợp nhiễm Ebola mới nào kể từ ngày 8/9. Nếu tình hình không thay đổi, Nigeria có thể tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn dịch Ebola vào ngày 20/10.
Cũng trong phiên thảo luận trên, Tổng thống Mauritania Mohamed Ould Abduel Aziz đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn trong việc cung cấp vaccine để chống và ngăn ngừa dịch bệnh Ebola đang hoành hành tại khu vực Tây Phi. Ông nhấn mạnh việc dịch bệnh Ebola đột ngột bùng phát đã tạo ra một thách thức lớn, song các biện pháp kiểm soát lây lan dịch bệnh vẫn còn hạn chế và kém hiệu quả.
Trước những quan ngại về việc dịch bệnh Ebola có thể vượt ra khỏi Tây Phi, Liên hợp quốc đã thành lập một phái bộ đặc biệt chống Ebola (UNMEER), trong đó một nhóm đã đến thủ đô Accra (Ghana) để thiết lập cơ sở hậu cần cho chiến dịch quy mô toàn khu vực.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh sẽ cần tới số thiết bị, phương tiên vận chuyện, dịch vụ chăm sóc và theo dõi gấp 20 lần hiện nay. Đại sứ Trung Quốc tại Liberia ngày 24/9 cho biết Bắc Kinh sẽ hỗ trợ thêm 40 triệu USD nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Dự kiến Cuộc họp cấp cao nhằm ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh Ebola sẽ diễn ra ngày 25/9 tại trụ sở của Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ, trong bối cảnh các công trình nghiên cứu mới đã cảnh báo về sự tăng vọt số ca nhiễm bệnh trong những tuần tới nếu không có hành động nhanh chóng để kiểm soát sự lây lan.
Cùng ngày, người đứng đầu trung tâm điều trị Ebola tại thủ đô Monrovia, Liberia, quốc gia hiện đang hứng chịu dịch bệnh nặng nề nhất tại khu vực Tây Phi, đã kêu gọi những người khỏi bệnh hiến máu để giúp điều trị các bệnh nhân khác.
Một công trình nghiên cứu cho thấy việc truyền máu từ những người khỏi bệnh Ebola có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị các ca nhiễm bệnh.
Trước đó, WHO cho biết các sản phẩm và huyết thanh được chiết xuất từ máu của những người khỏi bệnh có thể được sử dụng để điều trị Ebola cho đến khi các loại thuốc điều trị thử nghiệm đang trong quá trình phát triển được đưa vào sản xuất.
William Pooley, một bệnh nhân người Anh sau khi được điều trị khỏi Ebola tại London (Anh), đã đến Mỹ để hiến máu nhằm giúp một bệnh nhân đang có triệu chứng sốt xuất huyết. Theo ông Pooley, máu của người khỏi bệnh có kháng thể chống lại virus Ebola. Khi số máu này được truyền sang người bệnh, nó có thể sửa chữa các mạch máu và ngăn ngừa việc mất máu.
Tại Guinea, ngày 23/9, người dân đã tấn công và cướp phá một văn phòng của cơ quan y tế địa phương tại thị trấn Forecariah, cách thủ đô Conakry 100 km, sau khi các nhân viên y tế của Hội chữ thập Đỏ đến để chôn 3 thành viên trong 1 gia đình vừa mới tử vong vì Ebola. Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt các vụ tấn công làm cản trở nỗ lực kiểm soát dịch bệnh tại Tây Phi.
Tuần trước, 8 thành viên của một nhóm nhân viên y tế đang nỗ lực huấn luyện người dân về những nguy cơ của dịch Ebola đã bị sát hại tại một khu vực hẻo lánh Đông Nam Guinea./.