Ngày 16/7, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã đề nghị quốc hội nước này phê chuẩn vay nước ngoài 1 tỷ USD để củng cố các lực lượng vũ trang nhằm đối phó với hoạt động nổi dậy của nhóm phiến quân Boko Haram.
Trong thư gửi cả hai viện Quốc hội Nigeria, ông Jonathan nêu rõ việc nâng cấp trang thiết bị, tăng cường huấn luyện và hậu cần cho lực lượng vũ trang và an ninh là một "nhu cầu cấp bách," trong bối cảnh đất nước đối mặt với "các thách thức an ninh nghiêm trọng, điển hình là đe dọa khủng bố của Boko Haram."
Hiện chưa rõ thời điểm Quốc hội Nigeria tiến hành thảo luận về đề xuất của ông Jonathan cũng như thông tin về các nguồn cho vay mà nước này có thể tìm đến.
Trước đó, hồi tháng Hai vừa qua, Thống đốc bang Borno Kashim Shettima nhận định nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram "được trang bị vũ khí tốt hơn" so với các lực lượng chính phủ. Tuy nhiên, quân đội Nigeria đã bác bỏ phát ngôn này.
Cuộc nổi dậy của Boko Haram đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng ở Nigeria trong vòng 5 năm qua. Các bang Borno, Yobe và Adamawa ở miền Đông Bắc nước này, nơi Boko Haram hoành hành với mục tiêu thiết lập một nhà nước Hồi giáo, đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ tháng 5/2013.
Ngoài các cuộc tấn công đẫm máu, vụ bắt cóc 276 nữ sinh trung học ở thị trấn Chibok thuộc bang Borno do Boko Haram thực hiện hồi tháng Tư vừa qua đã gây phẫn nộ không chỉ trong người dân Nigeria mà cả cộng đồng quốc tế.
Cùng ngày 16/7, cảnh sát bang Adamawa của Nigeria cho biết các tay súng đã bắt cóc một công dân Đức ở thị trấn Gombi thuộc bang này.
Theo các nhân chứng, nạn nhân là giáo viên của một trung tâm đào tạo kỹ thuật do chính phủ điều hành, bị tấn công khi vừa ra khỏi nhà riêng ở khu phố người Pháp trong thị trấn.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức xác nhận "đã được thông tin về trường hợp này," song từ chối bình luận thêm. Hiện chưa có lực lượng nào thừa nhận là thủ phạm vụ bắt cóc, song các cáo buộc thường xoay quanh Boko Haram./.