Tổng thống Nga thành lập nhóm công tác sửa đổi Hiến pháp

Tổng thống Putin đã đề xuất một loạt sửa đổi Hiến pháp trong Thông điệp Liên bang thường niên đọc trước Hội nghị Liên bang.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang năm 2020 tại thủ đô Moskva ngày 15/1/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang năm 2020 tại thủ đô Moskva ngày 15/1/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trang thông tin của Điện Kremlin ngày 15/1 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thành lập nhóm công tác soạn thảo các đề xuất sửa đổi Hiến pháp.

Nguyên thủ quốc gia Nga đã ký lệnh phê duyệt thành phần của nhóm công tác, có hiệu lực kể ngay trong ngày 15/1.

Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Andrei Klishas, Chủ tịch Ủy ban xây dựng nhà nước và pháp luật Duma Quốc gia (Hạ viện) Pavel Krasheninnikov, Viện sỹ Viện hàn lâm Khoa học Nga Taliya Khabrieva được bổ nhiệm làm các đồng chủ tịch nhóm công tác với thành phần hơn 70 thành viên này.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Putin đã đề xuất một loạt sửa đổi Hiến pháp trong Thông điệp Liên bang thường niên đọc trước Hội nghị Liên bang. Các sửa đổi này bao gồm đề xuất Duma Quốc gia đề cử thủ tướng và các bộ trưởng trong chính phủ.

Tổng thống Putin cũng cho biết ông không phản đối việc củng cố vai trò của Tòa án Hiến pháp. Ngoài ra, ông đề nghị tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước và các thống đốc thông qua việc chính thức hóa các quy định trong Hiến pháp.

Với mỗi sáng kiến sửa đổi, ông Putin đề nghị trưng cầu ý dân. Phát ngôn viên của tổng thống, ông Dmitry Peskov lưu ý rằng đây là cải cách nghiêm túc, nên nguyên thủ quốc gia Nga cho rằng cần phải tham khảo ý kiến của dân chúng thông qua bỏ phiếu.

Thời điểm và thủ tục tiến hành trưng cầu ý dân sẽ được xác định sau đó được chính thức hóa bằng sắc lệnh.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Vitaliy Mutko cho biết sau khi thực hiện kế hoạch sửa đổi Hiến pháp, Hội đồng Nhà nước sẽ nằm trong cơ cấu hành pháp.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước là Tổng thống Nga, các thành viên trong Hội đồng gồm các chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện), lãnh đạo các phe phái trong Hạ viện, thống đốc các chủ thể, đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga ở các khu vực liên bang.

Ngoài ra, Hội đồng còn gồm những người có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động công - nhà nước và xã hội. Hội đồng Nhà nước hiện có trách nhiệm xem xét các vấn đề chính trị cấp bách ở Nga, song không có quyền lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục