Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình NBC của Mỹ được công bố tối 10/3, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga sở hữu các vũ khí có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Mỹ đang phát triển các hệ thống của mình với tầm xa, độ chính xác ngày càng tăng lên. Vì vậy, Nga cần sẵn sàng các loại vũ khí của mình, để có thể không chỉ xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện nay mà còn cả sau này, khi Mỹ chế tao các loại vũ khí mới.
Tổng thống Putin nhấn mạnh trong thập niên đầu của thế kỷ 21, các đối tác của Nga không tin rằng chỉ trong một thời gian ngắn Nga có thể đạt được bước nhảy vọt trong việc phát triển vũ khí chiến lược. Lý do là vào thời điểm đó, nền kinh tế, công nghiệp quốc phòng, quân đội của Nga đang gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, Nga đã thử nghiệm thành công nhiều hệ thống vũ khí mới, một số đã được trang bị cho quân đội và được đưa vào trực chiến.
Tổng thống Putin cũng nêu ra hai lý do Nga sẽ buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân, đó là khi Nga bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân và Nga bị tấn công bằng vũ khí thông thường nhưng sự tồn tại của nước Nga bị đe dọa.
[Tổng thống Nga Putin không thay đổi hiến pháp để duy trì quyền lực]
Trước đó, ngày 1/3 vừa qua, trong bản Thông điệp liên bang trình bày trước Quốc hội Nga, Tổng thống Putin thông báo nước Nga đã và đang tăng cường tiềm lực quân sự và phát triển nhiều loại vũ khí mới.
Nhiều loại vũ khí mới được ông nhắc tới có các tính năng kỹ thuật cho phép chúng có thể xuyên thủng hoặc vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Tên lửa hành trình sử dụng năng lượng hạt nhân có lẽ là loại vũ khí thu hút sự chú ý nhất.
Tổng thống Putin miêu tả đây là loại “tên lửa hành trình khó theo dõi dù bay ở tầm thấp, được trang bị đầu đạn hạt nhân, có khả năng bay không giới hạn và theo các lộ trình khó xác định… là mục tiêu mà các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không không dễ bắn hạ.”
Hệ thống đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân giúp loại vũ khí này có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không nhờ việc tăng tầm bắn và khả năng điều hướng.
Tầm bắn được cải thiện giúp các loại tên lửa này có thể đi theo những hành trình mà các hệ thống radar phòng không không giám sát được, đồng thời khả năng điều hướng cũng giúp giảm thiểu việc các tên lửa bị đánh chặn.
Một loại vũ khí siêu vượt âm (HGV) mới có tên Avangard với phần đầu là tên lửa đạn đạo cũng gây chú ý không kém. Sau khi bay vào không gian, đầu đạn siêu vượt âm tách ra và quay trở lại quỹ đạo, nhưng không đi theo đường đạn mà “trượt” tới mục tiêu và có thể hay đổi hướng bay. Điều này cho phép đầu đạn tránh được tầm phủ sóng của rađa và hệ thống đánh chặn.
Trung Quốc cũng đang phát triển các HGV để đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Đông Á.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 “Sarmat” không phải là loại vũ khí mới, song cũng được Tổng thống Putin nhấn mạnh trong bài phát biểu với khả năng xuyên thủng “hàng phòng vệ” của Mỹ.
Ông nhấn mạnh loại tên lửa này không bị giới hạn bởi tầm bắn và thậm chí còn có thể mang theo nhiều đầu đạn.
Các nước phương Tây sau đó đã cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của luật pháp quốc tế về kiểm soát giải trừ quân bị. Trong khi đó, Moskva khẳng định quyết sách của mình nhằm đảm bảo duy trì cân bằng hạt nhân trên thế giới, một điều cần thiết vì hòa bình và ổn định trên toàn thế giới./.