Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng Nhóm Các Nền kinh tế Mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) ngay trước thềm của hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm tại thành phố Johannesburg từ ngày 22-24/8.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, nhà lãnh đạo nước này đã nêu quan điểm trên trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình về chính sách đối ngoại của Nam Phi và Hội nghị Thượng đỉnh BRICS.
Ông Ramaphosa nhấn mạnh một BRICS mở rộng sẽ đại diện cho một nhóm các quốc gia đa dạng chung mong muốn có một trật tự thế giới cân bằng hơn.
Tổng thống Ramaphosa cho biết 20 quốc gia đã đăng ký làm thành viên BRICS và một số quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc trở thành một phần của nhóm.
[Chủ tịch Cuba lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS]
Tổng thống nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh BRICS cũng tìm cách xoa dịu những lo ngại toàn cầu trước hội nghị và khẳng định vai trò trung lập của Nam Phi.
Ông tuyên bố Nam Phi cam kết thực hiện chính sách không liên kết, đồng thời khẳng định Nam Phi nỗ lực hợp tác với tất cả các nước vì hòa bình và phát triển toàn cầu.
Tổng thống Ramaphosa sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tham dự trực tiếp trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin sẽ tham gia trực tuyến.
Khoảng 50 nhà lãnh đạo khác không phải là thành viên BRICS - trong số đó có Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Indonesia Joko Widodo - đã xác nhận sẽ tham dự các cuộc đàm phán.
Cộng đồng BRICS chiếm 1/4 nền kinh tế toàn cầu, chiếm 1/5 thương mại toàn cầu và là nơi sinh sống của 40% dân số thế giới.
Tổng thống Ramaphosa khẳng định trở thành thành viên của BRICS đã tạo ra những cơ hội tích cực cho Nam Phi, giúp nước này phát triển mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Năm 2025, Nam Phi sẽ đảm nhận chức chủ tịch của Nhóm Các Quốc gia Phát triển và Mới nổi hàng đầu Thế giới (G20) và sẽ là quốc gia châu Phi đầu tiên đăng cai tổ chức hội nghị này./.