Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ lên đường đến thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào ngày 17/5 để dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Thông báo này cho thấy chuyến đi của ông Biden có thể vẫn diễn ra theo kế hoạch, mặc dù các cuộc đàm phán về vấn đề nợ của chính phủ Mỹ vẫn chưa có kết quả.
Trong cuộc họp báo ngày 12/5, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Tổng thống Biden khẳng định kế hoạch của ông đến Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G7 không thay đổi.
Cũng theo quan chức này, tại hội nghị, ông Biden sẽ thảo luận với những người đồng cấp G7 "một loạt vấn đề toàn cầu cấp bách nhất," trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.
Theo kế hoạch công bố trước đó, ông Biden sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima từ ngày 19-21/5.
Tiếp đó, ông sẽ tới Papua New Guine gặp gỡ các nhà lãnh đạo Diễn đàn quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) trước khi tới Sydney (Australia) tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ vào ngày 24/5 tới.
Hôm 9/5, ông Biden để ngỏ khả năng hủy chuyến đi châu Á nếu chưa giải quyết được bế tắc với đảng Cộng hòa về vấn đề trần nợ đang khiến Mỹ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ chưa từng có.
Cùng ngày, ông Biden và các nghị sỹ hàng đầu của hai đảng Dân chủ và Cộng hào đã có cuộc thảo luận trực tiếp trong bối cảnh thế bế tắc liên quan đến việc nâng giới hạn nợ trị giá 31.400 tỷ USD đang đe dọa đẩy nền kinh tế số 1 thế giới vào tình trạng vỡ vợ chưa từng có sớm nhất sau 3 tuần tới, nếu Quốc hội Mỹ không kịp thời hành động.
[Hoãn cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Hạ viện về trần nợ công]
Tổng thống Biden của đảng Dân chủ đã từ chối bình luận với các phóng viên, khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa ngồi trong Phòng Bầu dục sau khi cả hai bên tỏ ý sẽ không nhất trí nhượng bộ liên quan khả năng chính phủ Mỹ sẽ vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1/6 tới.
Hạ viện Mỹ vào cuối tháng Tư đã thông qua dự luật tăng trần nợ lên 31.400 tỷ USD, trong đó có cắt giảm chi tiêu sâu rộng trong thập kỷ tới.
Tuy nhiên, dự luật đó dự kiến sẽ không được thông qua tại Thượng viện và có thể bị Tổng thống Mỹ Joe Biden phủ quyết nếu được thông qua.
Các nhà kinh tế cảnh báo tình trạng vỡ nợ kéo dài có thể đẩy kinh tế Mỹ vào tình trạng suy thoái sâu với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đồng thời gây mất ổn định hệ thống tài chính toàn cầu vốn dựa trên trái phiếu Mỹ.
Hiện ông Biden đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn nguy cơ chính phủ vỡ nợ trước ngày 1/6 tới./.