Các "mối đe dọa chiến lược" từ Iran là chủ đề chính trong cuộc điện đàm ngày 6/3 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Theo tuyên bố của Văn phòng thủ tướng Israel, trong cuộc điện đàm này, hai nhà lãnh đạo đã dành phần lớn thời gian để thảo luận các hiểm họa xuất phát từ thỏa thuận hạt nhân Iran, các động thái của nước này tại khu vực Trung Đông, cũng như sự cần thiết của việc phối hợp giải quyết các mối đe dọa này.
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc cùng với Đức) đạt được hồi tháng 7/2015 và chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2016. Theo đó, Iran nhất trí xóa bỏ một phần chương trình hạt nhân, từ bỏ việc làm giàu năng lượng và chịu sự giám sát của các thanh sát viên quốc tế để đổi lại được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Trump đã kịch liệt phản đối thỏa thuận này. Thủ tướng Netanyahu cho rằng khi một vài điều khoản của thỏa thuận hết hiệu lực trong 10-15 năm tới, Iran sẽ bắt đầu chế tạo bom.
Trong khi đó, tại buổi tiếp ông Netanyahu ở Nhà Trắng hồi tháng trước, Tổng thống Trump tuyên bố thỏa thuận hạt nhân với Iran là "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất" mà ông biết. Ông chủ Nhà Trắng đồng thời khẳng định chính quyền Mỹ sẽ bổ sung các lệnh trừng phạt đối với Iran nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.
Căng thẳng giữa Tehran và Washington đã gia tăng kể từ sau vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và các thực thể có liên quan đến lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran.
Hồi đầu tháng trước, Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 13 cá nhân và 12 thực thể liên quan tới Iran. Quyết định này được đưa ra ít ngày sau khi Nhà Trắng liệt Iran vào "diện cần chú ý" liên quan đến vụ thử tên lửa đạn đạo ngày 29/1 vừa qua và các hoạt động khác của nước Cộng hòa Hồi giáo này././.