Tổng thống Mỹ thị sát các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão Helene

Bão Helene đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 162 người, khiến hàng trăm người mất tích và nhiều khu vực dân cư tại 6 bang bị tàn phá nặng nề.

Một nhà hàng bị phá hủy sau khi bão Helene quét qua Asheville, bang North Carolina, Mỹ. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Một nhà hàng bị phá hủy sau khi bão Helene quét qua Asheville, bang North Carolina, Mỹ. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 2/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới bang North Carolina và South Carolina, trong khi Phó Tổng thống Kamala Harris tới bang Georgia, thị sát những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Helene, đồng thời phân phát viện trợ cho người dân.

Bão Helene đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 162 người, khiến hàng trăm người mất tích và nhiều khu vực dân cư tại 6 bang bị tàn phá nặng nề.

Hàng nghìn nhân viên cứu trợ liên bang đang tham gia vào các nỗ lực toàn diện để cứu hộ người dân và chăm sóc hàng triệu người.

Tại South Carolina, ông Biden đã được nghe báo cáo tóm tắt về nỗ lực cứu hộ, cứu nạn, cũng như tái thiết sau bão.

Hơn 10.000 nhân viên liên bang, lực lượng ứng phó khẩn cấp và Vệ binh quốc gia trên khắp khu vực Đông Nam nước Mỹ đã tham gia nỗ lực này. Sau đó, Tổng thống Biden đã di chuyển bằng trực thăng qua thành phố Asheville, North Carolina, chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão, với những cây cầu bị sập, hồ chứa đầy mảnh rác, mảng vỡ, các tòa nhà bị phá hủy và đường sá bị cuốn trôi.

Trong một phát biểu đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Biden bày tỏ sự cảm thông đối với những người bị ảnh hưởng, đồng thời ca ngợi sự đoàn kết của người dân địa phương cũng như những nỗ lực các lực lượng tham gia cứu hộ.

ttxvn_Helene (2).jpg
Bùn lầy trên một đoạn đường ở Asheville, bang North Carolina, Mỹ sau khi bão Helene quét qua. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tháp tùng Tổng thống Biden trong chuyến thị sát, Bộ trưởng An ninh nội địa Alejandro Mayorkas mô tả Helene là cơn bão có “sức tàn phá lịch sử,” đã gây ra lũ lụt thảm khốc cho các thành phố và cộng đồng ở miền núi xa xôi. Theo ông, có những thị trấn "đã biến mất theo nghĩa đen" do đó, hoạt động tái thiết sau bão sẽ tốn kém hàng tỷ USD và kéo dài trong nhiều năm.

Ông Biden đã đề cập tới nghĩa vụ của chính phủ liên bang trong việc cung cấp viện trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão, đồng thời cảnh báo biến đổi khí hậu đang làm tăng mức độ nghiêm trọng và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo chỉ đạo của ông chủ Nhà Trắng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phê duyệt việc triển khai 1.000 binh sỹ đến North Carolina để tăng cường cho lực lượng Vệ binh quốc gia tại đây, triển khai các nỗ lực ứng phó khẩn cấp và bảo vệ sinh mạng của người dân.

Tại Georgia, Phó Tổng thống Harris đã đến thăm một trung tâm điều hành khẩn cấp ở thành phố Augusta trước khi thị sát một khu phố bị tàn phá nghiêm trọng bởi cơn bão.

Các mảnh vỡ nằm rải rác trên đường và cây cối gãy đổ xuống những ngôi nhà. Bà Harris cho biết chính phủ đang phối hợp với chính quyền địa phương nhằm cung cấp hỗ trợ cần thiết cho người dân, đồng thời trao những hộp thực phẩm cho các gia đình tại một địa điểm sơ tán.

Chuyến thị sát của Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris diễn ra trong bối cảnh ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đang chỉ trích chính quyền phớt lờ cuộc khủng hoảng nhằm tạo lợi thế trong chiến dịch tranh cử.

North Carolina và Georgia là 2 trong số 7 bang chiến địa quan trọng có khả năng quyết định kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục