Tổng thống Mỹ thăm Canada và cơ hội gắn kết đồng minh-láng giềng

Thủ tướng Trudeau từng phát biểu khi đề cập tới chuyến thăm rằng ông chào đón Tổng thống Biden đến Canada, hai bên là đồng minh, là láng giềng và quan trọng nhất là những người bạn của nhau.
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm Canada trong hai ngày 23 và 24/3, trong đó ông sẽ gặp Thủ tướng Justin Trudeau để bàn về một loạt vấn đề quan hệ song phương và quốc tế.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Biden tới nước láng giềng kể từ khi nhậm chức năm 2021.

Trong lịch sử, Canada luôn là điểm đến được lựa chọn cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của các đời tổng thống Mỹ, ngoại trừ hai ông Jimmy Carter và Donald Trump. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã hai lần ngăn cản ông Biden thực hiện chuyến thăm. Mặc dù chuyến đi lần này được xem là muộn màng, nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để xem xét các vấn đề cấp bách mà cả hai nước đang đối mặt.

Hai bên dự kiến sẽ thảo luận về một loạt các vấn đề gai góc bao gồm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, di cư và một vài điểm nóng quốc tế.

Đại sứ Canada tại Mỹ Kirsten Hillman nói rằng các cuộc thảo luận chắc chắn sẽ tập trung vào những vấn đề toàn cầu đáng quan tâm. Hai bên cũng sẽ tập trung vào việc làm thế nào để tăng cường sức mạnh cho nhau.

Vụ việc khinh khí cầu của Trung Quốc bay trên không phận Mỹ và Canada vào tháng trước, việc Nga và Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Bắc cực và cuộc xung đột tại Ukraine đang khiến vấn đề phòng thủ khu vực Bắc Mỹ trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc hội đàm.

Canada từng cam kết chi 40 tỷ CAD trong 20 năm tới để hiện đại hóa Bộ chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD), trong đó có việc tiếp nhận chuyển giao từ Mỹ hệ thống radar vượt tuyến và mua sắm các máy bay chiến đấu F-35. Hệ thống radar vượt tuyến sẽ giúp mở rộng khả năng giám sát của NORAD xa hơn về phía Bắc và có thể phát hiện các mối đe dọa mới của nước ngoài ở Bắc cực.

Canada và Mỹ đang phải chịu áp lực giải quyết vấn đề nhập cư trái phép ngày càng tăng. Dòng người xin tị nạn từ Mỹ vào Canada đã tăng đột biến, tới gần 40.000 vào năm ngoái, nhiều người đi qua cửa khẩu không chính thức như Đường Roxham trên biên giới Quebec-Vermont. Phía Mỹ cũng đưa ra số liệu thống kê cho thấy số người tìm cách vượt biên trái phép từ Canada vào Mỹ đã tăng gấp đôi trong thời gian qua.

Tình trạng này khiến Thỏa thuận quốc gia thứ ba an toàn được đưa vào chương trình nghị sự trong cuộc gặp giữa hai bên. Thỏa thuận này quy định các cá nhân sẽ được yêu cầu xin tị nạn ở ngay quốc gia đầu tiên mà họ đặt chân tới cho dù là ở Mỹ hay Canada.

[Tổng thống Mỹ chuẩn bị thăm Canada thảo luận về thương mại, quốc phòng]

Theo thỏa thuận, những người xin tị nạn sẽ bị cấm vào Canada tại các điểm biên giới chính thức khi họ đã ở trên đất Mỹ. Tuy nhiên, Đường Roxham không phải là điểm biên giới chính thức nên không bị điều chỉnh bởi thỏa thuận trên và tỉnh bang Quebec của Canada đã trở thành điểm nóng quá tải tiếp nhận dòng người tị nạn.

Thủ tướng Trudeau từng nói rằng cách duy nhất để giải quyết hiệu quả vấn đề Đường Roxham và các điểm giao cắt không chính thức là đàm phán lại Thỏa thuận quốc gia thứ ba an toàn.

Nhưng điều này, theo các chuyên gia, không phải là vấn đề dễ dàng giải quyết bởi Canada và Mỹ có đường biên giới trên bộ dài nhất thế giới, gần 9.000km, nên không thiếu các điểm giao cắt không chính thức, trong khi dòng người tị nạn từ nhiều nơi đổ về ngày càng tăng.

Một chủ đề khác sẽ được bàn tới là vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và khoáng sản chiến lược. Đây là những thành phần thiết yếu trong công nghệ xanh, từ tấm pin mặt trời đến ắc quy xe điện và là nguồn tạo việc làm tiềm năng cho tầng lớp trung lưu. Canada là nơi có gần một nửa số công ty khai thác và thăm dò khoáng sản được niêm yết công khai trên thế giới, với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 520 tỷ CAD.

Canada đang có những khúc mắc với Mỹ liên quan tới Đạo luật giảm lạm phát của nước này, theo đó tạo ra hàng tỷ khoản trợ cấp để khuyến khích sản xuất ắcquy xe điện tại Mỹ. Điều này gây khó khăn cho các công ty Canada bởi phát triển lĩnh vực xe điện đang là ưu tiên của chính phủ. Canada vừa cho phép hãng xe Volkswagen đặt nhà máy sản xuất ắc quy xe điện đầu tiên tại nước này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Nếu các vấn đề này được thảo luận thành công, có thể các sản phẩm do Canada sản xuất cũng sẽ được phép vào Mỹ. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada, với kim ngạch song phương về hàng hóa và dịch vụ trong năm 2021 vượt trên 1.000 tỷ CAD.

Đối với các vấn đề quốc tế, cuộc chiến tại Ukraine sẽ được nhắc tới trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Trong khi Mỹ không ngừng gia tăng các khoản viện trợ và cung cấp vũ khí cho Ukraine thì Canada cũng đang hỗ trợ huấn luyện binh sỹ Ukraine và viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ CAD cho nước này.

Là thành viên NATO, Canada vừa công bố kế hoạch tăng gấp đôi sự hiện diện quân sự ở Latvia và mua sắm thêm khí tài để phục vụ cho sứ mệnh của NATO. Quân đội Canada đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân sự và thách thức tuyển dụng khiến lực lượng bị dàn mỏng với cam kết tại Ukraine và NATO.

Canada cũng có thể sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo lực lượng đa quốc gia để hỗ trợ lập lại trật tự ở Haiti theo đề xuất của Mỹ và vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.

Trên hết, chuyến đi này sẽ mang lại cơ hội để hai bên cùng đánh giá và đi tới cải thiện các mối quan hệ. Thủ tướng Trudeau từng phát biểu khi đề cập tới chuyến thăm này rằng ông chào đón Tổng thống Biden đến Canada. Hai bên là đồng minh, là láng giềng và quan trọng nhất là những người bạn của nhau.

Trước những bất ổn toàn cầu ngày càng tăng, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp để cùng bảo vệ lục địa cũng như các giá trị chung và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người dân cùng doanh nghiệp ở hai bên biên giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục