Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/6 đã tiếp tục chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng ngân hàng trung ương này đang “chặn đứng” con đường giúp nền kinh tế đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ bằng cách từ chối cắt giảm lãi suất.
Trong bài đăng trên trang Twitter cá nhân, ông Trump tiếp tục chỉ trích rằng Fed đã đứng yên khi nước Mỹ cần hạ lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ để “bù đắp cho những gì các quốc gia khác đang làm để chống lại nền kinh tế này.”
Tổng thống Trump cho rằng mặc dù Fed “không biết họ đang làm gì,” nền kinh tế Mỹ đang trên đà có một trong những tháng Sáu tuyệt vời nhất trong lịch sử nước này.
Theo ông chủ Nhà Trắng, nếu không phải do chính sách của Fed, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 4-5%, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones, một trong những chỉ số chính của thị trường chứng khoán Phố Wall, sẽ tăng thêm "hàng nghìn điểm."
Song một số nhà kinh tế không đồng tình với nhận định này của Tổng thống Mỹ, viện dẫn rằng nền kinh tế lớn nhất đã không ghi nhận mức tăng trưởng hàng quý khoảng 5% kể từ năm 1999 tới nay dù Fed giữ lãi suất ở mức khoảng 5%, cao gần gấp đôi lãi suất hiện nay.
Nhiều chuyên gia nói rằng việc đưa kinh tế Mỹ trở về với tốc độ tăng trưởng như vậy là không thể, do tình trạng dân số già hóa và tăng năng suất chậm chạp tại nước này.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia nói rằng thực tế chính sách thương mại của Tổng thống Trump là yếu tố chủ chốt khiến Fed đang xem xét cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ khi rủi ro suy thoái gia tăng.
Việc Tổng thống Trump đe dọa sẽ tăng thuế đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khiến nền kinh tế toàn cầu “dậy sóng”. Do đó, Fed hồi tuần trước đã lần thứ tư trong năm nay giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 2,25-2,5%, đồng thời phát đi tín hiệu rằng họ có thể sớm cắt giảm lãi suất theo khuyến nghị của ông Trump.
Cùng ngày 24/6 công ty tư vấn tài chính Oxford Economics dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất ba lần vào năm tới. Oxford Economics lưu ý rằng với những hỗ trợ từ các biện pháp kích thích tài chính giảm dần và tăng trưởng toàn cầu suy yếu trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, nguy cơ tăng trưởng chậm lại rõ rệt của kinh tế Mỹ vào năm 2020 là “tương đối đáng kể."
Với 10 năm ghi nhận tăng trưởng liên tiếp, nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tháng tới sẽ đánh dấu chuỗi tăng trưởng dài nhất trong lịch sử. Nhưng đồng thời, kinh tế Mỹ đã bắt đầu đưa ra các tín hiệu trái chiều.
Một mặt, các cuộc khảo sát về niềm tin của người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh cho thấy cả hai lĩnh vực đều đang “nóng” lên, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp của gần 50 năm và hoạt động chi tiêu của người dân đã tăng mạnh trong những tháng gần đây.
Song cũng đã xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại khác như hoạt động sản xuất và đầu tư kinh doanh tiếp tục suy yếu.
Trong bối cảnh những lực đẩy từ chính sách cắt giảm thuế hồi năm 2017 cùng với gói kích thích tài khóa trong năm ngoái "đuối" dần, tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý 2 năm nay được dự báo chỉ bằng một nửa mức 3,1% của quý đầu tiên./.