Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 5/4 tuyên bố coi việc tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tư xưng tại Iraq và Syria là “ưu tiên hàng đầu” trước khi ông rời nhiệm sở, đồng thời cảnh báo khả năng tổ chức khủng bố này tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công lớn.
Phát biểu trong cuộc gặp với các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama cho rằng dù đã thiệt hại nặng nề, song IS vẫn có khả năng tiếp tục phát động các cuộc tấn công khủng bố gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định Washington sẽ tiếp tục truy quét các thủ lĩnh IS, các mạng lưới tài chính và cơ sở hạ tầng của nhóm này nhằm "dồn ép và tiêu diệt chúng."
Theo ông Obama, các lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu cần tiếp tục duy trì sức ép lên IS bằng các chiến dịch tình báo, ngoại giao cũng như quân sự.
Tham dự cuộc họp trên có Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Joe Dunford và nhiều tư lệnh chiến trường cấp cao của Mỹ.
Tuyên bố của Tổng thống Obama được đưa ra trong bối cảnh IS đang ngày càng thất thế trên chiến trường. Những tháng gần đây nhiều thủ lĩnh IS đã bị lực lượng Mỹ tiêu diệt.
Hồi đầu tháng này, Lầu Năm Góc xác nhận thủ lĩnh IS Omar al-Shishani đã bị tiêu diệt trong vụ không kích ở Syria.
Tháng 11/2015, một thủ lĩnh cấp cao của IS là Abu Nabil cũng đã bị tiêu diệt trong một vụ không kích ở Libya.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trong đó phác thảo một loạt thay đổi nhằm đảm bảo Lầu Năm Góc hoạt động hiệu quả hơn trong việc đối phó với các mối đe dọa toàn cầu, trong đó có tổ chức IS.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Carter đã đề xuất một số thay đổi nhằm cập nhật vào Đạo luật Goldwater-Nichols, một đạo luật cải cách Bộ Quốc phòng Mỹ hồi năm 1986.
Ông cho biết muốn làm rõ vai trò của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, sỹ quan cấp cao nhất của Lầu Năm Góc đóng vai trò như cố vấn chính của Bộ trưởng Quốc phòng.
Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, cần triển khai thêm các biện pháp nhằm tăng cường năng lực của chủ tịch và các tham mưu trưởng để hỗ trợ quản lý lực lượng, lên kế hoạch và triển khai thực hiện nhiệm vụ của các bộ tư lệnh tác chiến, nhất là trong bối cảnh những mối đe dọa có thể chia cắt các khu vực đảm nhiệm tác chiến theo chức năng và lãnh thổ.
Bất chấp ảnh hưởng vượt trội của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, vị trí hiện do Tướng Dunford đảm nhiệm, Bộ trưởng Carter nói rằng vai trò này vẫn nằm ngoài chuỗi chỉ huy trực tiếp của Lầu Năm Góc, khởi đầu từ Tổng thống tới Bộ trưởng Quốc phòng và các tư lệnh liên quan.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng kêu gọi đơn giản hóa tiến trình mua sắm vũ khí và phối hợp tốt hơn giữa các bộ tư lệnh tác chiến, ví dụ như Bộ Chỉ huy châu Phi và Bộ Chỉ huy châu Âu, nhằm đối phó với các mối đe dọa liên khu vực như nhóm IS.
Ông cho rằng mỗi bộ chỉ huy có thể trở nên hiệu quả hơn nếu có ít tướng bốn sao hơn làm việc tại tổng hành dinh của mỗi cơ quan quân sự này.
Ngoài ra, ông Carter cho hay Lầu Năm Góc có thể thực thi một số đề xuất theo thẩm quyền của mình trong "vài tuần tới," còn những quyết định khác sẽ cần Quốc hội Mỹ phê chuẩn./.