Mỹ khẳng định đẩy mạnh quan hệ đồng minh đặc biệt với Saudi Arabia, đồng thời tiếp tục tăng cường hợp tác song phương với quốc gia vùng Vịnh này trong cuộc chiến chống khủng bố.
Đây là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra trong buổi tiếp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Nayef và Hoàng tử Mohammed bin Salman ngày 13/5 tại Washington D.C.
Phát biểu trong cuộc tiếp xúc tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, ông Obama đã nêu bật mối quan hệ và tình hữu nghị đặc biệt tồn tại từ lâu giữa Washington và Riyadh, từ thời cố Tổng thống Franklin Roosevelt và Quốc vương Faisal trong những năm 40 của thế kỷ trước.
Theo ông, mối quan hệ này có vai trò then chốt không chỉ trong việc duy trì ổn định trong khu vực Trung Đông mà còn bảo vệ sự an toàn cho người dân Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận mối quan hệ đồng minh này đang trải qua giai đoạn thách thức, và khẳng định hai bên sẽ nỗ lực xây dựng và củng cố mối quan hệ lâu đời này.
Về phần mình, Thái tử bin Nayef cũng đánh giá cao và bày tỏ sự coi trọng đối với mối quan hệ chiến lược và lịch sử với Mỹ.
Nội dung của cuộc tiếp xúc còn xoay quanh tình hình Trung Đông, đặc biệt là chiến sự tại Yemen, quốc gia láng giềng của Saudi Arabia. Ông Obama cho hay hai bên sẽ thảo luận cách thức xây dựng một lệnh ngừng bắn tại Yemen và hợp tác hướng tới một chính phủ hợp pháp và có sự hiện diện của tất cả các bên.
Saudi Arabia đã tiến hành một chiến dịch quân sự với sự tham gia của một số nước Arập trong khu vực nhằm chống lại phiến quân Houthi tại Yemen. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đánh giá cao vai trò then chốt của Riyadh trong liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria do Washington dẫn đầu.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và hai nhà lãnh đạo cấp cao của Saudi Arabia diễn ra trước thềm hội nghị của Ủy ban hợp tác vùng Vịnh (GCC), dự kiến diễn ra tại Trại David, bang Maryland, vào ngày 14/5.
Theo kế hoạch, ông Obama sẽ gặp đại diện các nước thành viên GCC gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và các Tiểu Vương Quốc Arập Thống nhất (UAE) để bàn thảo các vấn đề về Syria và Yemen. Tuy nhiên, trong sự kiện quan trọng này, nhiều nhà lãnh đạo các nước GCC, trong đó có Quốc vương Saudi Arabia Salman, lại không tham gia.
Theo giới phân tích, việc Quốc vương Salman vắng mặt là một minh chứng cho thấy sự lạnh nhạt trong quan hệ Washington-Riyadh và thái độ không mấy hài lòng của Saudi Arabia đối với chính sách của Mỹ đối với Trung Đông.
Một trong những yếu tố khiến mối quan hệ hữu hảo trên gặp bất trắc là đàm phán hạt nhân Iran với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức). Không chỉ Saudi Arabia, các nước Vùng Vịnh cũng quan ngại rằng với thỏa thuận hạt nhân đạt được với nhóm P5+1, Iran sẽ có những bước mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực mà theo họ đó là những hoạt động gây bất ổn./.