Tổng thống Mỹ kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các bên liên quan tới tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông có "những bước đi thiết thực" nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các bên liên quan tới tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông có "những bước đi thiết thực" nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ diễn ra tại Sunnylands, bang California, Tổng thống Obama cho biết ông và các nhà lãnh đạo của các nước thành viên ASEAN đã bàn về sự cần thiết phải hạ nhiệt căng thẳng tại Biển Đông, và nhất trí rằng mọi tranh chấp giữa các bên tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông "phải được giải quyết một cách hòa bình và theo pháp lý."

Nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ những bước đi thiết thực có thể bao gồm việc "ngừng mở rộng hoạt động cải tạo, xây mới và quân sự hóa các khu vực tranh chấp."

Biển Đông là một trong những chủ đề thảo luận của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ, kéo dài hai ngày từ 15-16/2 tại Sunnylands.

Kết thúc hai ngày làm việc, các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung khẳng định lập trường về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định những nguyên tắc quan trọng sẽ định hướng sự hợp tác của ASEAN-Mỹ trong thời gian tới.

Các nguyên tắc liên quan vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo bao gồm tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và chính trị độc lập của tất cả các quốc gia thông qua việc duy trì các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế; cùng cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm việc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); cùng cam kết duy trì hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm cả quyền tự do hàng hải và hàng không và các mục đích sử dụng biển hợp pháp khác, và thương mại hàng hải hợp pháp không bị cản trở và như đã được nêu trong Công ước 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS); cũng như phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong các hoạt động; cùng cam kết thúc đẩy hợp tác để giải quyết các thách thức chung trong lĩnh vực biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục