Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi bảo vệ bệnh viện ở Dải Gaza

Xe tăng của Israel đã bao vây bên ngoài bệnh viện Al Shifa, cho rằng tại đây có đường hầm đặt trụ sở của Hamas và lực lượng này đang sử dụng bệnh nhân làm lá chắn.

Bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza ngày 7/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza ngày 7/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng kêu gọi đảm bảo an toàn cho các bệnh viện ở Dải Gaza, đặc biệt bệnh viện Al-Shifa, trong bối cảnh giao tranh ác liệt giữa Israel và lực lượng Hamas vẫn tiếp diễn xung quanh cơ sở y tế chính này của thành phố Gaza.

Xe tăng của Israel đã bao vây bên ngoài bệnh viện Al Shifa, cho rằng tại đây có đường hầm đặt trụ sở của lực lượng Hamas và lực lượng này đang sử dụng bệnh nhân làm lá chắn. Hamas đã bác bỏ cáo buộc này của Israel.

Trả lời báo giới về vấn đề trên tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh "quan trọng là bệnh viện Al-Shifa phải được bảo vệ."

Bệnh viện Al-Shifa là cơ sở y tế chủ chốt ở thành phố Gaza. Ông Youssef Abu Rish, quan chức y tế ở Dải Gaza, cho biết cơ sở này đang cạn kiệt nhiên liệu để chạy máy phát điện và các thiết bị máy móc khác phục vụ chăm sóc và điều trị bệnh nhân.

Theo quan chức này, tính từ cuối tuần qua tại bệnh viện Al-Shifa đã có 27 bệnh nhân ở bộ phận chăm sóc tích cực và 7 trẻ sơ sinh tử vong khi cơ sở y tế này rơi vào cảnh thiếu nhiên liệu trầm trọng.

Trong khi đó, quân đội Israel thông báo triển khai "hành lang tự sơ tán" trong ngày 13/11, cho phép người dân trú ngụ trong bệnh viện Al-Shifa rời khỏi cơ sở y tế này để di chuyển về phía Nam Dải Gaza.

Quân đội Israel cũng cho biết đã phân phát 300 lít nhiên liệu gần bệnh viện Al-Shifa để phục vụ mục đích y tế khẩn cấp.

Tuy nhiên, Giám đốc bệnh viện Al-Shifa, ông Mohammad Abu Salmiya cho biết bệnh viện cần ít nhất 8.000 lít nhiên liệu vận hành các máy phát điện chủ chốt để có thể cứu sống hàng trăm bệnh nhân.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đang gấp rút nỗ lực để chuyển hàng viện trợ đến Dải Gaza hoặc bố trí các bệnh viện để tiếp nhận bệnh nhân từ vùng lãnh thổ này.

Văn phòng Điều phối Các Vấn đề Nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc ngày 13/11 ước tính khoảng 980 xe tải chở hàng viện trợ đã được phép vào Dải Gaza trong 3 tuần qua. Tuy nhiên, con số này chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người Palestine đang bị phong tỏa tại đây.

Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn báo cáo của OCHA cho thấy trong ngày 12/11, tổng cộng có 76 xe tải chở thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế, nước đóng chai, chăn, lều và các sản phẩm vệ sinh, đã đi từ Ai Cập đến Dải Gaza.

Như vậy, tổng cộng đã có 981 chuyến xe chở hàng cứu trợ tiếp cận vùng lãnh thổ Palestine này kể từ ngày 21/10.

Phát biểu tại một hội nghị nhân đạo ở Paris tuần trước, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths nói rằng số lượng hàng viện trợ được phép vào Dải Gaza hoàn toàn không đủ.

Ông Griffiths ước tính cần hàng trăm xe tải chở hàng viện trợ đến Gaza mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu rất lớn của thành phố này.

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Y tế Ai Cập Abdel-Ghaffar cùng ngày thông báo đã bố trí 37 bệnh viện để tiếp nhận và điều trị người bị thương từ Dải Gaza, với 13 bệnh viện trong số này hiện đang tích cực điều trị cho các bệnh nhân.

Bộ trưởng Abdel-Ghaffar đưa ra thông tin trên trong phiên điều trần trước Hạ viện Ai Cập về những nỗ lực của Chính phủ nước này trong việc hỗ trợ người Palestine ở Gaza.

Theo ông Abdel-Ghaffar, Bộ Y tế đã thành lập các ủy ban xử lý khủng hoảng và chuẩn bị các phòng cấp cứu, đề ra kế hoạch nhằm đảm bảo các dịch vụ cấp cứu, điều trị và phòng ngừa để xử lý các tình huống xấu nhất. Theo đó, 150 xe cứu thương đã được phân bổ để chuyển bệnh nhân từ cửa khẩu biên giới Rafah.

Ngoài ra, Ai Cập cũng đã tiếp cận được bệnh viện Al-Shifa ở Gaza để tiếp nhận trẻ em từ cơ sở y tế này.

Hiện Ai Cập cũng đang đàm phán để tiếp nhận thêm ca bệnh từ Gaza. Ai Cập đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh khác nhau từ Gaza, bao gồm bỏng nặng, gãy xương, chấn thương mắt, chấn thương nội tạng, liệt tay chân do mảnh đạn và ung thư.

Cũng trong ngày 13/11, Tunisia đã điều máy bay thứ hai chở hàng viện trợ của nước này đến Dải Gaza. Hàng viện trợ bao gồm thiết bị y tế, thuốc men, xe lăn, chăn, thực phẩm và sữa bột cho trẻ em.

Trước đó, ngày 15/10, quốc gia Bắc Phi này đã điều chiếc máy bay đầu tiên chở 12 tấn hàng viện trợ đến Dải Gaza./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục